Wikimua Uncategorized Mâm cỗ ngày Tết 3 miền

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền

Mâm cỗ ngày Tết 3 miền

Tết đến, mỗi vùng miền lại có sự chuẩn bị cho Tết khác nhau, chỉ có vài điểm chung là phải có gói bánh, phải có mâm cỗ đón Tết. Cùng xem mỗi vùng miền thì mâm cỗ có gì và thú vị như thế nào nhé.

Miền Nam

Những ngày cận Tết, miền Nam mang không khí se lạnh, nhà nhà bắt đầu quây quần chuẩn bị Tết với niềm háo hức, hạnh phúc khiến không khí gia đình trở nên ấm áp.

Mâm cỗ miền Nam có thể không quá cầu kỳ như miền Bắc nhưng vẫn có rất nhiều món ăn đặc trưng nhé. Cùng điểm danh một vài món không thể thiếu trong mâm cỗ miền Nam nè.

1. Bánh Tét

Tết thì không thể thiếu được bánh Tét ở miền Nam rồi, cứ đêm 29,30 là cả nhà lại cùng thức chờ giao thừa, canh nồi bánh Tét thơm lừng.

Món bánh Tét được làm từ nếp, đậu và thịt heo, 3 nguyên liệu tạo nên món bánh vừa dẻo, vừa ngọt, vừa béo, vừa bùi, ăn không ngấy và cũng là món gây mập nếu ăn nhiều nữa đó nha.

Món bánh Tét càng ngày càng được chế biến thành nhiều loại mới ngon hơn như bánh Tét nhân chuối, bánh Tét đậu đen, nước cốt dừa, khiến món bánh Tét truyền thống trở nên đặc biệt hơn, ngon hơn.

Bánh Tét được miền Nam ăn kèm với củ kiệu, cà rốt, đu đủ ngâm nước mắm. Tùy từng nhà mà còn có kèm cả tôm khô nữa, ngon bá cháy luôn.

2. Thịt kho hột vịt

Món ăn này chắc chắn không thể thiếu trong nhà vào ngày Tết luôn. Thường nhà nào cũng kho đủ ăn trong 3 ngày Tết luôn ý. Đi chợ là mua vài kg thịt heo về kho nồi lớn. Ưu điểm của món này là càng hâm lại, gia vị càng thấm vào trứng, làm món ăn càng ngon hơn.

Nguyên liệu của món này gồm có thịt ba chỉ, thịt đùi heo kho với trứng vịt và nước dừa, nhiều nhà cho thêm trứng cút vào kho, ăn đỡ ngán nữa cơ. Nước dừa giúp món thịt kho có vị ngọt thanh, ngon hơn nhiều so với sử dụng nước lọc. Thịt được kho đến khi nhừ, trứng thấm và đổi màu vàng là được.

Món này ăn kèm cơm trắng là ngon cực luôn, thêm ít rau sống nữa là quá đã luôn ý. Mình còn thường dùng trứng và thịt cuốn bánh tráng, rau sống ăn ngon lắm nha. Bạn cũng thử một lần xem sao nhé.

3. Canh khổ qua

Như tên gọi của mình, canh khổ qua được người miền Nam bày vào mâm cỗ, ăn vào ngày Tết để mong muốn những khó khăn, khổ cực của năm cũ đều qua đi, ăn một miếng đắng vào để mọi cái đắng đều qua đi hết 

Ngoài ra, món canh khổ qua còn có tác dụng giải ngán giữ các món ăn nhiều chất béo và ngọt của ngày Tết nữa. Thật ra, khổ qua có chất giúp tan mỡ thừa trong cơ thể nên việc ăn canh khổ qua giúp giải ngán là có thật luôn nha. Bên cạnh đó, ăn khổ qua sẽ ngủ ngon hơn, da dẻ trở nên mịn màng, đẹp hơn nữa nhé 

4. Bánh tráng cuốn

Món này tương tự món gỏi cuốn tôm thịt mà mọi người thường thấy bán ngoài đường Sài Gòn. Bánh tráng được làm từ bột gạo tươi, tráng mỏng rồi phơi nắng cho khô, giòn. Khi cuốn thì nhúng nước đều, cuốn thịt luộc, cá nướng, dưa leo, rau sống, bún, ăn kèm với nước mắm chua ngọt hoặc tương hoặc mắm nêm đã pha chế.

Ngoài ra còn có đặc sản bánh tráng phơi sương (Tây Ninh) cực dẻo được rất nhiều người yêu thích. Bánh này dùng để ăn món gỏi cuốn cũng cực ngon nha.

Nhà mình còn cuốn với bánh Tét thay vì bún, thịt và trứng kho tàu, ăn cũng ngon lắm nhé 

5. Củ kiệu tôm khô

Gọi là món ăn kèm nhưng lại là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết nhé. Củ kiệu được mua về rửa sạch, phơi khô rồi ngâm với đường hoặc giấm vài ngày là ăn được.

Lưu ý nhẹ là ăn củ kiệu nhiều cũng không tốt cho sức khỏe nha.

Miền Trung

Các món ăn miền Trung vào ngày Tết cũng phần nào nói lên được sự tiết kiệm, khó khăn với thời tiết khắc nghiệt ở miền Trung, các món ăn sẽ hướng đến ăn được lâu dài, bảo quản được lâu hơn.

1. Bánh Tét

Cũng giống như miền Nam, bánh Tét là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người miền Trung. Đặc biệt miền Trung thường nhân chỉ làm đậu xanh hoặc thêm ít mỡ để bánh để dành được lâu hơn. Bây giờ đã có nhiều đổi khác, nên nhiều nhà cũng gói nhân thịt mỡ và ăn trong thời gian ngắn.

Thường mẹ mình cũng chỉ gói với đậu xanh thôi, ăn kèm bánh với thịt kho trứng cho có thịt hehe

2. Nem chua

Nem chua được xem là món đặc sản của xứ sở miền Trung. Mình thích ăn nhất là nem Quy Nhơn, nam có vị chua của thịt lên men mà còn có ngọt của thịt chứ không phải ngọt đường giống như nem của miền Tây hay miền Nam.

Nem chua là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung. Món nem được làm bằng thịt heo xay nhuyễn thêm ít bì sợi, trộn với ớt trái, tiêu hột, gói bằng lá ổi hoặc đinh lăng. Khi ăn có vị chua kèm vị cay mà ấm của tiêu, mang người ta đi qua thời tiết se lạnh của Tết.

Nem miền Trung thường được gói thành cây 500g như cây chả trong miền nam vậy, khi ăn thì cắt khoanh tròn, chia làm 4-6 phần, ăn chung với chả lụa nữa, chấm với muối tiêu, cực ngon nha.

3. Thịt heo ngâm nước mắm

Món này là món đặc sản mà cả miền Nam cũng có nhà làm món này luôn, thường là do giao thoa văn hóa hai miền nên bạn cũng có thể bắt gặp món ăn này ở miền Nam nhé.

Thịt heo thường là thịt giò hoặc 3 chỉ, luộc chín rồi ngâm với nước mắm ngon, sau 3 ngày là ăn được, ăn kèm với bún, rau sống hoặc cuốn bánh tráng cũng rất ngon.

4. Tôm chua Huế

Một món đặc sản của Huế cũng dễ làm. Món này ăn với cơm nóng thì ngon thôi rồi luôn ý. Món này làm hơi cầu kỳ, tốt nhất là nên tìm mua ở các shop chuyên bán đặc sản Huế hoặc siêu thị để được thưởng thức món này nha.

Tôm chua chua, cay cay lại có vị ngọt của Tôm nữa, một món ăn ngon không thể cưỡng lại.

5. Cà rốt, đu đủ ngâm nước mắm

Với miền Bắc và Nam là củ kiệu, dưa hành thì miền Trung là món cà rốt, đu đủ được cắt nhỏ, phơi khô rồi ngâm với nước mắm. Món này là món để ăn kèm với bánh Tét. Mình cực thích món này luôn ý.

6. Bánh in

Đây là loại bánh ngọt, vỏ bánh là bột bánh in, nhân được làm bằng mè, thịt mỡ hoặc có nơi dùng đậu xanh.

Bánh in có xuất xứ từ Huế, đi miền Trung bạn nên thử ăn món ăn đặc biệt này nhé.

7. Bánh cuốn

Ngoài ra, món bánh cuốn cũng là một đặc sản của miền Trung đó nha. Món bánh cuốn xuất phát từ miền Trung, hiện bạn cũng có thể thấy nó được bán ở miền Nam rất nhiều.

Nhân bánh được làm bằng thịt xay, nấm mèo, cực ngon.

Ngoài ra, miền Trung cũng có món bánh tráng cuốn nhưng bánh tráng được làm khá dày. Mình nghĩ món bánh tráng dày của miền Trung xuất phát từ vấn đề khí hậu khắc nghiệt ở đây, vì thế gạo được chế biến thành bánh tráng dày, đê dành ăn khi lũ lụt hay lúc thời tiết khắc nghiệt.

Miền Bắc

Mâm cỗ miền Bắc được xem là khá cầu kỳ với nhiều món ăn và nhiều ý nghĩa xung quanh các món ăn đó. Khác với sự phóng khoáng của miền Nam, tiết kiệm của miền Trung thì mâm cỗ miền Bắc theo nhiều nguyên tắc hơn. Cùng xem miền Bắc có gì trong mâm cỗ nha.

1. Bánh chưng

Tương tự bánh Tét, bánh chưng không thể thiếu trong mâm cỗ miền Bắc. Miền Bắc cũng có phong tục gói bánh và nấu bánh ngày Tết. Bánh có hình vuông vức và đẹp mắt.

Bánh cũng được làm từ nếp, nhân có đậu xanh và thịt heo như bánh chưng nhưng bánh chỉ có dạng truyền thống chứ ít biến tấu thêm như bánh chưng ở miền Nam.

2. Xôi gấc

Màu đỏ thường được yêu thích vì người ta xem màu đỏ là tượng trưng cho sự may mắn, tươi đẹp. Vì thế món xôi gấc có màu đỏ tươi được có mặt trên mâm cỗ với mong muốn may mắn cả năm.

Món xôi gấc được nấu bằng cách trộn nếp sống với gấc đã bỏ hạt rồi hấp nếp cho đến khi chín. Xôi gấc còn được nén thành các hình dáng khác nhau, đẹp mắt hoặc còn được nén với đậu xanh, ăn đỡ ngấy.

3. Thịt nấu đông

Thời tiết lạnh giá của miền Bắc khiến món thịt nấu đông trở nên một món đặc sản mà ít miền nào có thể nấu được món này ngon như miền Bắc.

Thịt đông được nấu bằng thịt chan giò, nấm hương, nấm mèo, tiêu và ít bột rau câu. Có nơi làm món thịt đông bằng cách để thịt đông tự nhiên bằng mỡ và thời tiết lạnh của miền Bắc. Thường thì mình vẫn thấy người ta làm món này với bột rau câu, cho vào tủ lạnh, món ăn sẽ đẹp mắt hơn, khi ăn có sự giòn giòn của rau câu, khá là ngon.

4. Dưa hành

Tuy gọi là dưa hành nhưng sẽ không thấy dưa hay hành đâu cả nha. Món này chỉ có củ kiệu và cà rốt mà thôi. Cách làm cũng tương tự như miền Nam vậy.

Món dưa hành được dùng để ăn kèm với bánh Chưng, thịt đông, là một món chóng ngấy cho ngày Tết đó nhé.

5. Thịt gà luộc

Đĩa gà luộc vàng ươm được điểm thêm lá chanh cắt nhuyễn, ăn kèm muối tiêu chanh cực ngon không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc.

Thịt gà vừa dai vừa ngọt và cũng không nhiều chất béo, trở thành món ăn được yêu thích vào các dịp Tết. Cứ đến Tết là được ăn gà thỏa thích nha 

6. Nem rán

Món nem rán cũng tương tự như món chả giò của miền Nam vậy. Nhân được làm bằng thịt, giá, mộc nhĩ, trứng, cuốn với bánh tráng và rán vàng giòn.

Nem rán được ăn kèm với nước mắm chua ngọt, là một trong những món ăn được rất nhiều người yêu thích và là món ăn được thấy rất nhiều trên các mâm tiệc của Việt Nam.

7. Canh Măng

Canh măng được nấu bằng măng khô, thịt chân giò hoặc móng heo thơm lừng và béo ngậy. Món ăn không thể thiếu được trong mâm cỗ ngày Tết.

8. Chè kho, mứt hạt sen

Hai món ngọt trong mâm cỗ đây rồi. Chè kho được làm bằng đậu xanh, nước cốt đưa, thêm ít lá dứa khiến món chè vừa bùi, vừa béo lại vừa thơm nữa.

Món mứt hạt sen vừa bùi vừa thanh, kèm theo tách chè nóng giúp bạn tận hưởng trọn vẹn ngày Tết thật đẹp ở miền Bắc.

Bài tổng hợp có vẻ hơi dài nhỉ, trên đây là những món ăn trên mâm cỗ của 3 miền vào ngày Tết. Dù miền nào thì mâm cỗ cũng đều có ý nghĩa cho một năm mới với những khởi đầu tốt đẹp và may mắn.

Chúc mọi người một năm mới thật nhiều niềm vui và may mắn nha. Tham khảo bài mình xong hy vọng mọi người có thể chuẩn bị một mâm cỗ thật ngon cho gia đình nhé. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Post