Wikimua Uncategorized Bảo Quản Thực Phẩm Trong Tủ Lạnh Thế Nào Tốt Nhất?

Bảo Quản Thực Phẩm Trong Tủ Lạnh Thế Nào Tốt Nhất?

Bảo Quản Thực Phẩm Trong Tủ Lạnh Thế Nào Tốt Nhất?

Thịt cá có nên rửa trước khi cho vào tủ lạnh? Rau củ quả bảo quản ở ngăn nào thì hợp lý? Dùng các loại túi bảo quản và hộp đựng thức ăn như thế nào? Cần lưu ý những gì khi trữ thức ăn của bé trong tủ lạnh? v.v…

Đó là một số câu hỏi thường thấy về bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Quả thực, nếu không bảo quản đúng cách, đồ ăn sẽ dễ hư hỏng, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, sinh sôi mầm mống bệnh tật.

Mỗi loại thực phẩm có cách bảo quản khác nhau. Và bạn rất nên biết một số mẹo vặt hữu ích trong bài này để bảo quản thức ăn trong tủ lạnh an toàn. Chúng ta cùng tìm hiểu ngay và luôn!

Vì Sao Có Thể Giữ Thức Ăn Tương Đối Lâu Trong Tủ Lạnh?

Các loại thực phẩm có thể giữ được độ tươi ngon trong một thời gian tương đối lâu trong tủ lạnh. Đó là nhờ vào cơ chế ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn bằng nhiệt độ và độ ẩm.

Độ lạnh của tủ ảnh hưởng đến quá trình phản ứng của các thành phần hóa học có trong thực phẩm (protein, lipid, axit nucleic…) và nhóm các vi sinh vật ưa lạnh. Nên thời gian bảo quản lâu hơn so với khi để ở ngoài.

Vì nhiệt độ của ngăn tủ đá đạt đến độ âm, nên có khả năng kìm hãm sự phát triển của nhiều loại vi sinh vật hơn ngăn tủ mát. Đây cũng là lí do chúng ta luôn trữ thịt cá tươi sống tại ngăn này.

Ngoài ra, luồng khí lưu thông bên trong tủ lạnh mang tính chất lạnh – khô. Nên giảm thiểu tối đa độ ẩm, ức chế sự phát triển của nhóm vi sinh vật ưa ẩm.

Túi Bảo Quản & Hộp Nhựa Đựng Thức Ăn Trong Tủ Lạnh

Để dễ dàng trong việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, bạn có thể dùng túi và hộp nhựa.

Thông thường, khi đi chợ về, nhiều người có thói quen dùng túi ni lông đựng thực phẩm bọc lại rồi bỏ vào tủ lạnh. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn. Vì đa phần túi ni lông được làm từ nhựa tái chế. Nếu dùng để đựng thực phẩm tươi sống có nguy cơ gây nhiễm chì, cadmium.

Chưa dừng lại ở đó, những loại túi này đôi khi dính bụi bẩn. Nếu cho vào tủ lạnh sẽ gây bội nhiễm vi khuẩn sang những thực phẩm khác. Làm sao khắc phục tình trạng trên? Hãy tìm mua màng bọc thực phẩm, túi zip hoặc các loại túi ni lông có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (được sản xuất từ nhựa PP và PV, an toàn cho sức khỏe).

Mẹo nhỏ dành cho bạn: Thịt gà, bò, heo, cá, tôm, mực nên đựng trong từng túi riêng. Phân chia lượng phù hợp cho khẩu phần ăn giúp bạn tiết kiệm thời gian khi rã đông chế biến. Đồng thời, giảm thiểu tối đa tình trạng nhiễm khuẩn sang những phần chưa dùng đến.

Đối với hộp nhựa thì an toàn hơn nhiều, nhưng ít khi được dùng để đựng thực phẩm tươi sống. Thay vào đó, các bà nội trợ thường dùng hộp nhựa chứa thực phẩm khô, thức ăn đã qua chế biến, hoặc sơ chế. Khi mua hộp, bạn chú ý chọn hộp nhựa loại PP, BPA Free – 2 thông số đánh giá mức độ an toàn.

Hộp Nhựa Đựng Thức Ăn
Hộp Nhựa Đựng Thức Ăn Xinh Xắn

Riêng những gia đình có trẻ nhỏ thì sao? Các mẹ nhớ tìm mua hộp đựng thức ăn cho bé (hay các khay trữ đồ ăn dặm cho bé). Đây là loại hộp chuyên dụng có chia nhiều ngăn nhỏ, nhằm dễ dàng chia khẩu phần và bảo quản thức ăn. Hai tiêu chí PP và BPA Free cũng được đặt lên hàng đầu để bảo bệ sức khỏe con yêu. Bạn có thể dễ dàng mua

Khay Trữ Đồ Ăn Dặm Cho Bé
Khay Trữ Đồ Ăn Dặm Cho Bé từ Nhật Bản

Cách Bảo Quản Rau Củ Trong Tủ Lạnh

Bạn nên nhớ, rau củ không cần phải rửa sạch trước khi cho vào tủ lạnh. Độ ẩm quá cao làm cho chúng dễ bị đổi màu và dần mất đi chất dinh dưỡng vốn có. Thay vào đó, bạn nên cắt, gọt bớt những phần lá, thân bị sâu đi và đựng riêng từng loại.

Nhiệt độ thích hợp nhất để bảo quản rau củ trong tủ lạnh khoảng từ 1 đến 4 độ C (nhiệt độ ở ngăn chứa rau củ hoặc ngăn mát tủ lạnh). Sau khi phân loại và cắt gọn sạch sẽ, bạn cho từng loại rau củ vào các túi riêng biệt, để thuận tiện khi dùng và giúp kéo dài thời gian bảo quản.

Sau đây là một số loại rau củ thông dụng và thời gian lý tưởng để bảo quản chúng trong tủ lạnh:

  • Măng tây, bắp cải: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 2 – 3 ngày.
  • Súp lơ, đậu Hà Lan, hành lá, bông cải xanh: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 3 – 5 ngày.
  • Các loại nấm (cho vào túi giấy): bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 3 ngày.
  • Xà lách Đà Lạt: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 5 ngày.
  • Rau xà lách: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 10 ngày.
  • Dưa chuột, ớt Đà Lạt: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 1 tuần.
  • Gừng (nguyên củ): bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 1 tháng.
  • Gừng (còn thừa, cho vào túi nhựa): bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 1 – 2 tuần.
  • Cần tây, bắp cải, rau mùi: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 2 tuần.
  • Cà rốt (nguyên củ): bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong vòng 3 tuần.

Bạn lưu ý: những loại củ quả sau đây không cần phải bảo quản lạnh. Vì chúng có thể tự giữ được độ tươi ngon trong thời gian dài ở nhiệt độ thường: khoai tây (10 ngày), hành tây (1 tháng, nếu cho vào tủ lạnh, hành tây dễ bị nhũn, nổi mốc), tỏi (2 tháng), bí đỏ (3 tháng).

Tại sao không để rau quả trên ngăn đá tủ lạnh? Vì nhiệt độ dưới 0 độ C sẽ gây mất nước trầm trọng. Dẫn đến tình trạng rau củ bị “hóa đá”, hỏng không dùng được.

Cách Bảo Quản Trái Cây Trong Tủ Lạnh

Đối với các loại trái cây, bạn cũng bảo quản tại ngăn mát của tủ lạnh. Nhiệt độ lý tưởng tầm 3 – 5 độ C(ngăn chứa rau củ). Để bảo quản các loại quả được lâu, khi mua bạn nên chọn trái tươi ngon nhất.

Bảo Quản Rau Củ Quả Trong Tủ Lạnh
Bảo Quản Trái Cây & Rau Củ Trong Ngăn Mát Hoặc Ngăn Chứa Rau Củ

Vậy có nên rửa trái cây trước khi cho vào tủ lạnh không? Không nên nhé! Vì như thế sẽ làm mất đi lớp bảo vệ tự nhiên (chỉ rửa trước khi ăn). Thay vào đó, bạn dùng dao cắt gọt những phần bị hư hỏng hoặc quá chín. Và cũng chỉ nên bảo quản trái cây trong tủ lạnh khi chúng chín đều.

Sau đây là thời hạn bảo quản của một số loại trái cây phổ biến:

  • Bơ (chín đều, mềm): bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 3 ngày.
  • Ổi: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh ngay sau khi mua về, thời hạn bảo quản là 5 ngày.
  • Xoài (chín đều): bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 4 ngày.
  • Dâu (đặt trong hộp, không đậy nắp): bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 3 – 5 ngày.
  • Dưa lưới, dưa hấu: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 5 ngày.
  • Chuối (chín đều): bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 5 ngày. Nếu chuối dùng thừa thì từ 1 – 2 ngày.
  • Lê: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 1 tuần.
  • Đu đủ (chín đều): bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 1 tuần.
  • Nho: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 1 – 2 tuần.
  • Cam, quýt, chanh, bưởi: bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh trong 2 tuần.
  • Mít: nếu tách thành từng múi và bỏ hạt, thì bạn nên đựng trong hộp đậy kín. Bỏ vào ngăn mát tủ lạnh sẽ bảo quản được khoảng 3 – 4 ngày. Nếu mít cắt thành từng phần, thì dùng giấy báo bọc ngoài. Sau đó, cho vào túi ni lông, buộc chặt, rồi bỏ vào ngăn mát tủ lạnh. Bảo quản được khoảng 1 tuần.

Cách Bảo Quản Thịt Trong Tủ Lạnh

Bảo quản thịt trong tủ lạnh giúp thịt giữ được độ tươi ngon và các chất dinh dưỡng. Khi mua về, nếu là loại thịt nên rửa, thì bạn nhớ rửa sạch. Sau đó, để ráo nước (có thể cắt ra thành từng phần nhỏ để dùng dần). Rồi cho vào túi nhựa hoặc dùng màng bao thực phẩm bọc kĩ lại. Cuối cùng bỏ vào tủ lạnh.

Cách Bảo Quản Thịt Trong Tủ Lạnh
Cắt Thịt Ra Từng Phần Vừa Đủ Cho Mỗi Lần Chế Biến

Nếu trữ trên ngăn đông thì phải bọc thêm nhiều lớp túi để tránh bị đông quá cứng.

Sau đây là chi tiết cách bảo quản các loại thịt khác nhau:

Thịt Heo

Bạn nên bảo quản lạnh thịt heo trong vòng 2 giờ đầu sau khi mua.

Thịt tươi khi mang về, bạn phải rửa thật kỹ để loại bỏ bụi bẩn. Sau đó, bạn có thể dùng giấy thấm để làm ráo thịt (hoặc để thịt heo ráo tự nhiên). Nhớ cắt lát (hoặc khúc) vừa đủ cho một lần chế biến để tiện cho việc rã đông nhé! Tiếp theo, cho thịt vào túi nhựa và bỏ vào tủ lạnh.

Tránh trữ một phần thịt heo to trên ngăn đá. Vì mỗi lần dùng phải rã đông. Sau đó, lại tiếp tục làm đông khiến cho phần thịt còn lại mất chất dinh dưỡng.

Điều kiện bảo quản thịt heo tươi:

  • Bảo quản ngăn đá ở nhiệt độ từ -17 đến -18 độ C trong 4 – 12 tháng.
  • Bảo quản ngăn mát ở nhiệt độ từ 1 đến 3 độ C trong 5 ngày (bạn nhớ rửa sạch, ướp muối).

Thịt Bò

Khác với thịt heo, bạn không cần rửa thịt bò trước khi cho vào tủ lạnh. Nếu khi mua thịt bò được bọc sẵn bằng màng bọc thực phẩm, thì bạn chỉ cần cho vào vài lớp túi nhựa. Rồi bảo quản trong ngăn lạnh là được. Vì thịt bò chứa nhiều nước, nên bạn cẩn thận đừng để nước tràn ra ngăn tủ, dính vào các loại thịt khác.

Điều kiện bảo quản thịt bò tươi:

  • Bảo quản ngăn đá ở nhiệt độ từ -17 đến -18 độ C trong 4 – 12 tháng.
  • Bảo quản ngăn mát ở nhiệt độ từ 1 đến 3 độ C trong 5 ngày (bạn nhớ ướp muối).

Thịt Gà

Không nên rửa thịt gà trước khi cho vào tủ lạnh. Bạn chỉ cần cho thịt vào túi nhựa và bỏ vảo tủ đông mà thôi. Một lưu ý nho nhỏ, gà nguyên con bảo quản được lâu hơn đấy nhé!

Vì gà có mùi khá đặc trưng, nên bạn nhớ bọc thật kĩ. Khi bảo quản nguyên con, bạn đừng quên kiểm tra xem bọc có bị rách không, vì hình dáng của gà khá là “góc cạnh”.

Điều kiện bảo quản thịt gà tươi:

  • Bảo quản ngăn đá ở nhiệt độ từ -17 đến -18 độ C trong 1 năm.
  • Bảo quản ngăn mát ở nhiệt độ từ 1 đến 3 độ C trong 5 ngày (bạn nhớ ướp muối và tiêu).

Cách Bảo Quản Cá Tươi Trong Tủ Lạnh

Vì cá có mùi tanh khó chịu nên bạn cần phải rửa thật sạch. Sau đó, để ráo nước rồi bọc kỹ trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Nếu khi mua cá được đóng gói sẵn và bạn chưa dùng ngay, thì có thể bỏ vào trong túi nhựa và cho thẳng vào tủ. Nếu sợ cá mất tươi ngon sau khi rã đông, hãy dùng muối xoa đều khắp bề mặt cá trước khi cho vào tủ.

Bảo Quản Cá Tươi Trong Tủ Lạnh
Có Thể Dùng Muối Xoa Đều Lên Cá Trước Khi Bảo Quản Để Giữ Độ Tươi Ngon

Điều kiện bảo quản cá tươi:

  • Bảo quản ngăn đá ở nhiệt độ -12 độ C trong 2 tuần.
  • Bảo quản ngăn mát ở nhiệt độ từ -1 đến 1 độ C trong 5 – 6 ngày.

Cách Bảo Quản Mực Tươi Trong Tủ Lạnh

Để bảo quản mực tươi ngon dễ dàng trong tủ lạnh, chúng ta nên chú ý ngay từ khâu chọn mua. Hãy chọn những con mực có các đặc điểm sau:

  • Có màng nâu nhẹ bao phủ đều quanh thân mực, màu thịt vẫn còn sáng.
  • Thân to mập, dày mình, không bị dập nát, da còn cứng, thịt chắc.
  • Mực tươi sẽ có râu còn cứng, đầu dính chặt vào thân.
  • Không có mùi tanh hôi.

Trước khi bỏ vào tủ lạnh bảo quản, bạn nên sơ chế bằng cách: làm sạch, bỏ đi phần ruột và da của chúng. Lưu ý: đừng làm dập hoặc nát mực trong lúc sơ chế nhé!

Cuối cùng, bọc thật kỹ lại (hoặc bỏ vào hộp nhựa đậy nắp), đặt vào ngăn đá để bảo quản.

Cách Bảo Quản Tôm Tươi Trong Tủ Lạnh

Nếu mua tôm và có ý định chế biến ngay trong ngày, bạn có thể cho vào hộp và đặt vào ngăn mát. Nếu chưa dùng thì nên rửa sạch, cắt bỏ phần đầu, đuôi, lột vỏ (nếu thích). Sau đó, ướp gia vị vừa ăn và bỏ vào ngăn đá.

Điều kiện bảo quản tôm tươi:

  • Bảo quản ngăn đá ở nhiệt độ -12 độ C trong 2 tuần.
  • Bảo quản ngăn mát ở nhiệt độ từ 1 đến 3 độ C trong 2 – 3 ngày.

Cách Bảo Quản Cua & Ghẹ Trong Tủ Lạnh

Cua, ghẹ vốn chứa nhiều chất dinh dưỡng. Nếu không được chế biến ngay sau khi đánh bắt, hoặc không bảo quản đúng cách, thì rất dễ mất chất, nhanh hỏng. Bạn cần nắm một số lưu ý sau đây để bảo quản cua, ghẹ hiệu quả.

Trước tiên, bạn rửa thật sạch cua, ghẹ, loại bỏ phần đất, cát, bùn bám trên thân của chúng. Sau đó, tiến hành xé cua, lấy phần gạch bỏ riêng ra một túi nhựa, phần thịt giã nhỏ cho vào một túi riêng. Bạn nhớ bỏ phần mai, yếm và miệng cua vì chúng là nguyên nhân gây ra mùi hôi khó chịu. Cuối cùng, bạn cho vào tủ đông. Bảo quản trong vòng 1 tuần.

Ngoài ra, bạn cũng có thể luộc cua, ghẹ cho chín đều. Sau đó, để nguội và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Thời gian bảo quản tốt nhất là từ 2 đến 3 ngày vì thịt cua, ghẹ vẫn giữ được độ thơm ngon.

Mọi người vẫn kháo nhau rằng có thể bảo quản cua, ghẹ còn sống (bò lổm ngổm) trong tủ lạnh. Bằng cách cho vào ngăn chứa rau củ, rồi rắc mè đen – thức ăn yêu thích của chúng vào. Nhưng cách này rất nguy hiểm, vì có thể gây nhiễm khuẩn cho toàn bộ thực phẩm trong tủ lạnh.

Cua, ghẹ hoàn toàn có thể sống trong môi trường bình thường. Bạn chỉ cần chứa chúng trong thau, thùng. Tuyệt đối không cho cua, ghẹ sống vào tủ lạnh.

Cách Bảo Quản Trứng Trong Tủ Lạnh

Mỗi tủ lạnh đều được trang bị khay đựng trứng. Bạn nên tận dụng các khay hữu ích này và đặt trứng ở ngăn mát.

Có nên rửa trứng trước khi cho vào tủ lạnh? Không nên! Vì sẽ làm mất đi màng bảo vệ sinh học tự nhiên, đẩy nhanh quá trình biến chất của trứng. Nếu bề ngoài trứng bị bẩn, bạn có thể dùng màng nhựa bọc thực phẩm bao lại.

Điều kiện bảo quản trứng an toàn là ở nhiệt độ 1 đến 3 độ C trong vòng 3 tuần.

Cách Bảo Quản Giá Đỗ Trong Tủ Lạnh

Bạn không nên rửa giá đỗ trước khi cho vào tủ lạnh. Nếu đã lỡ rửa nhưng dùng không hết thì bạn phải để ráo nước. Sau đó, cho vào túi nhựa hoặc túi zip, và dùng tăm khoét một vài lỗ thông khí. Rồi cho vào tủ lạnh.

Điều kiện bảo quản giá đỗ hiệu quả là nhiệt độ ở ngăn mát. Thời gian hợp lý nhất là từ 2 – 3 ngày. Sau thời gian này, giá đỗ vẫn có thể dùng được nhưng chất lượng bị giảm đáng kể.

Cách Bảo Quản Thức Ăn Đã Nấu Chín Trong Tủ Lạnh

Đối với thức ăn đã nấu chín, bạn phải để nguội trước khi cho vào tủ lạnh. Vì nếu thức ăn còn nóng mà gặp hơi lạnh đột ngột sẽ sinh độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Thời gian lý tưởng để bảo quản thức ăn nấu chín trong tủ lạnh là 2 giờ sau khi chín.

Bạn có thể đựng thức ăn trong tô, chén thủy tinh hoặc sứ. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại, hoặc cho vào hộp nhựa. Sau đó, bảo quản trong ngăn mát. Để bảo vệ sức khỏe của mình, bạn chỉ nên bảo quản thức ăn chín trong vòng 5 – 6 tiếng. Ví dụ, tận dụng bữa sáng để ăn trưa, hay bữa trưa để ăn tối.

Tuyệt đối không trữ thức ăn nấu chín qua đêm vì vi khuẩn có cơ hội phát triển. Từ đó, gây hại cho sức khỏe của bạn và gia đình.

Cách Bảo Quản Thức Ăn Cho Bé Trong Tủ Lạnh

Các mẹ nhớ bảo quản thức ăn cho bé trong tủ lạnh theo nguyên tắc sử dụng các hộp chứa riêng biệt, hoặc các khay trữ đồ ăn dặm, có nắp đậy kín. Lưu ý, hộp thủy tinh tuyệt đối không được bỏ trên ngăn đá vì nhiệt độ thấp gây nứt, vỡ hộp.

Các thực phẩm trữ ở ngăn mát (từ 1 – 3 độ C) phải dùng hết trong thời gian 1 – 3 ngày. Trữ ở ngăn đá (dưới -17 độ C) thì dùng trong vòng 3 tháng. Riêng sữa và các loại thực phẩm được làm từ sữa, như sữa chua, phô mai… nên bảo quản ở ngăn dưới cùng. Vì đây là nơi lạnh nhất của ngăn mát.

Bảo Quản Thức Ăn Cho Bé Trong Tủ Lạnh
Bảo Quản Sữa Chua Ở Nơi Lạnh Nhất Của Ngăn Mát

Bạn cũng nên dành một khoảng không gian riêng trong tủ lạnh để trữ thức ăn cho bé yêu. Vì nếu để gần thịt cá tươi sống, rau củ quả chưa rửa, hay thức ăn của người lớn đã qua chế biến có thể gây ra nhiễm khuẩn chéo, khiến trẻ bị bệnh.

Lời Kết

Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cũng không quá khó phải không nào? Chỉ cần lưu ý một tí là làm được.

Nếu bạn không thể nhớ các chi tiết trong bài, hãy lưu lại liên kết này, khi cần lại lôi ra đọc. Và đừng quên chia sẻ lên mạng xã hội cho bạn bè, người thân cùng tham khảo nhé. Chúc bạn, gia đình và cái tủ lạnh luôn luôn khỏe mạnh!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Post