Nguyên nhân trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc và cách khắc phục
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc do đâu? Kinh nghiệm để trẻ tự ngủ và ngủ đủ như thế nào? Để rèn còn theo phương pháp easy thành công thì việc bạn cần làm trước tiên là dạy con học cách tự ngủ trước. Con phải ngủ được suốn sẻ thì quá trình luyện ngủ mới ít nước mắt được. Mục tiêu của mình với việc ngủ là: Con biết tự ngủ – ngủ đủ (không nhất thiết phải theo chuẩn) – ngủ đêm tốt, không bị ngủ ngày cày đêm.
Trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc do đâu?
Đảm bảo con ăn no.
Cái này các bài trước đã nói đến rồi. Đây là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng ngủ cho bé, bởi đơn giản là đói thì ngủ thế quái nào được.
Bé nhà mình bị nôn tró nhiều nên ngoài đảm bảo cho bé ăn no thì còn phải đảm bảo cho bé ợ hơi kỹ lưỡng, cho bé nằm gối cao dốc khoảng 15 độ. Hoặc cho bé nằm ngủ nghiêng để tránh việc bụng ậm ạch khó chịu khiến con ngủ không yên.
Cho con đi ngủ đúng lúc.
Cái này rất quan trọng, vì nếu cho con đi ngủ sớm quá, thì con thường hậm hực mãi không chịu ngủ, vươn nhiều vì chưa đến giờ ngủ, chưa đủ mệt để calm down thì làm sao mà ngủ hoặc ngủ được một tí lại dậy. Cho con đi ngủ muộn quá thì hời ơi, con gắt ngủ không sao chịu nổi, khóc lóc liên tục, sau đó khóc nhiều quá thì mệt rồi ngủ thiếp đi, nhưng ngủ được 1 tí lại dậy khóc tiếp. Cả việc cho đi ngủ sớm quá và cho đi ngủ muộn quá đều là nguyên nhân gây ra catnap hoặc khó/không chuyển giấc được, một căn bệnh khó trị đối với cộng đồng cho con tự ngủ.
Với Cốm, ở giai đoạn từ 3-8 tuần, mình căn cứ vào tín hiệu buồn ngủ của con kết hợp với bảng thời gian thức ngủ theo lứa tuổi để cho con đi ngủ và bạn chuyển giấc khá tốt. Sở dĩ nói là từ 3-8 tuần, vì trong 3 tuần đầu tiên Cốm ở tuần trăng mật, nên cứ ăn xong là gục, thức được một tí để bú với mẹ vỗ ợ hơi là mẹ mừng lắm rồi, nên dù vẫn thực hiện trình tự đi ngủ nhưng việc đọc tín hiệu buồn ngủ hay áp theo thời gian thức ngủ là vô nghĩa. Sang cuối tuần thứ 3, Cốm làm quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ, bắt đầu thức nhiều hơn, đến lúc này thì mẹ bắt đầu cần cho Cốm đi ngủ theo tín hiệu của con và có dựa cả vào bảng.
Sang đến tuần thứ 9, việc căn theo tín hiệu buồn ngủ để làm trình tự đi ngủ cho Cốm không còn hoàn toàn chính xác nữa, vì nếu để Cốm đi ngủ theo tín hiệu này thì bạn toàn bị catnap( dậy giữa chừng), đến lúc này cần căn theo bảng thời gian thức ngủ và tìm hiểu dấu hiệu chuyển EASY để kéo dài thời gian thức của Cốm, đồng thời tìm ra được thời gian thức phù hợp với Cốm để Cốm không bị catnap nữa. Giai đoạn này khá khổ vì cứ căn căn chỉnh chỉnh, lúc được lúc không, nhưng rồi cuối cùng cũng tìm ra công thức waketime dành riêng cho Cốm( Easy 3.5). Nói chung cứ sao 1 thời gian, khi chuyển EASY thì cũng là lúc cần điều chỉnh thời gian thức phù hợp.
Thực hiện trình tự đi ngủ và áp dụng nút chờ:
Việc áp dụng trình tự đi ngủ phải nhất quán và theo đúng trình tự. Sẽ xuất hiện nút chờ hết giấc này đến giấc khác nhưng giúp Cốm tự ngủ mà gần như không cần một công cụ hỗ trợ nào, kể cả ti giả, quấn khi được 16 tuần, đồng thời tự chuyện giấc khá ổn (trừ wonder week hehe).
Với Cốm mình sử dụng 4S + ti giả (cho giấc đêm). Khi Cốm chuyển giấc mà không ngủ lại được sau nút chờ, mình dùng shh/vỗ là chủ yếu.
Sinh hoạt theo trình tự cố định.
Cụ thể ở đây mình cho Cốm sinh hoạt theo EASY. EASY là một trình tự sinh hoạt nhất quán và phù hợp với trẻ theo từng lứa tuổi, nó hỗ trợ cho việc giúp bé tự ngủ, KHÔNG PHẢI LÀ PHƯƠNG PHÁP LUYỆN TỰ NGỦ. Nên bạn nảo con luyện easy mà khóc nhiều khi cho con ngủ là vô lý. Muốn con tự ngủ thì cần áp dụng các trình tự trấn an giấc ngủ ở giai đoạn sớm 0-3 tháng, và các phương pháp luyện ngủ phù hợp theo lứa tuổi và theo lựa chọn của gia đình, tính cách bé và hoàn cảnh sống.
Trình tự sinh hoạt của Cốm để không ngủ ngày cày đêm
0-3 tuần: Tuần trăng mật, ngủ bất chấp. Nhưng mẹ vẫn thực hiện trình tự ngủ các giấc ngày và đêm từ 2 ngày tuổi.
3-6 tuần: Trình tự đi ngủ 4S, chưa chịu dùng ti giả, thời gian bế vỗ để windown trước khi đặt ngủ là 10-15 phút, giấc đêm khó ngủ hơn giấc ngày, cần hỗ trợ 50% chuyển giấc ngày. Đêm còn ị nên khi nào ị sau ăn thì vẫn cần trọn bộ 4S để vào lại giấc đêm. Bú 3h/lần.
6-8 tuần: Tuần khủng hoảng, chịu dùng ti giả nên đi ngủ sử dụng 4S+ ti giả, thời gian windown 10-15′, hỗ trợ chuyển giấc nap ngày 80%- catnap nhiều do wonder week, cắt đi giấc ngày cuối cùng. Giấc đêm vào giấc tốt dù wonderweek, thời gian windown giảm còn 7-10′, thời gian ngủ đêm là 12-13h/đêm, có đêm ngủ 14 tiếng (có ti đêm 1-3 lần, có thể có ị đêm.).
8-13 tuần: 4S + ti giả (tùy giấc, cứ mời bạn, bạn chịu thì mút, nhè thì thôi), windown ngày, đêm giảm còn 5-7′. Chuyển giấc hỗ trợ tầm 30% bằng ti giả, Đêm ngủ 12-13h có ti đêm 1-2 lần tùy nhu cầu.
13-16 tuần: 4S với hỗ trợ quấn giảm dần (ngày dùng quấn cộc, đêm quấn 1 tay), không cần windown, ti giả cứ mời, mút hay không tùy nàng. Chuyển giấc 100% không cần hỗ trợ
16 tuần đến nay: Không quấn, ti giả vẫn mời nhưng đa số là không cần, whitenoise bật buổi tối, ngày không cần. Giờ chỉ cần đến giờ, kéo rèm, tắt đèn, đi ra ngoài là xong, nhanh gọn. Có khi mẹ vừa đặt xuống, đỏa mắt được 1 vòng là ngứt haha. Đang trong ww và chuyển EASY nên nap ngày có đang thất thường, lúc tốt lúc vớ vẩn, cố gắng nhất quán và bù thời gian ngủ thiếu vào giấc đêm. Đêm vẫn trộm vía.
Tín hiệu buồn ngủ của bé sơ sinh ngủ không sâu giấc
Cũng như tín hiệu ăn, tín hiệu buồn ngủ cũng chia làm 3 giai đoạn: sớm – vừa – muộn
1/ Giai đoạn sớm là giai đoạn mà khi cha mẹ thấy có các tín hiệu này, đặc biệt là cái nhìn chằm chằm vô định (siêu chuẩn luôn í) thì bắt đầu thực hiện trình tự đi ngủ cho bé.
Dấu hiệu: bé nhìn chằm chằm vô định( như kiểu mắt không chớp), mắt lờ đờ và bé dụi mắt, không còn muốn chơi với đồ bé đang chơi nữa mà quay đầu đi hướng khác
2/ Giai đoạn vừa: Đây là giai đoạn phải rút bớt thời gian làm trình tự đi ngủ hoặc làm thật nhanh rồi đặt con vào giường luôn. Có một số bé lúc ở giai đoạn này nếu đã trấn tĩnh đủ thì sẽ ngủ luôn, nhưng có một số bé năng động hơn thì nếu lúc này bố mẹ chưa kịp làm windown đầy đủ thì vẫn sẽ khóc và khó vào giấc như thường. Do đó, đừng đợi đến khi con ngáp mới cho con vào giường, hãy tìm các dấu hiệu sớm hơn hoặc xem lại log sinh hoạt của con, kết hợp với bảng thời gian thức ngủ để tìm ra thời gian thực hiện trình tự đi ngủ hợp lý với từng bé.
Dấu hiệu: Con sẽ ngáp, vò đầu bứt tai, hắt hơi
3/ Giai đoạn 3 là giai đoạn con bạn đã bước qua cửa sổ ngủ: lúc này con mệt đến nỗi buồn ngủ mà không thể ngủ được, và thế là con bị gắt ngủ. Nói chung cố gắng tránh để đến mức nào, mà đã vào mức này rồi thì cố cho con ngủ được chừng nào hay chừng ấy và bù đắp vào giấc sau thôi chứ cũng chả cải thiện được mấy đâu mà.
Dấu hiệu: Con sẽ khóc, thậm chí là khóc lớn, người ưỡn lên.
Trẻ sơ sinh ngủ nhiều không? Bảng thời gian thức ngủ theo lứa tuổi
Bảng này là bản cập nhật trong Nuôi con không phải là cuộc chiến bộ mới. Với Cốm mình kết hợp giữa tín hiệu buồn ngủ và bảng thức ngủ này để tìm ra thời gian đi ngủ hợp lý với Cốm.
Cụ thể waketime của Cốm như sau:
0-3 tuần: Hầu như ngủ suốt, lúc ấy chỉ cho tỉnh một chút lúc bú và lúc ợ hơi được để phân biệt bú-hoạt động-ngủ là ok lắm rồi.
3-6 tuần: Nap ngày: 45 phút – Giấc đêm: 1 tiếng. (EASY3)
6-10 tuần: Nap ngày: Nap 1: 1h14′ – Nap 2: 1h30 – Nap 3: dao động từ 1h-1h20′ – Giấc đêm: 1.5h từ 6-8 tuần, 2h từ 8-11 tuần (EASY 3.5)
12-15 tuần: Nap 1: 1h30′ – Nap 2: 2h – Nap 3: 1h45′ – Giấc đêm: 2-2h15′ (EASY4)
16 tuần đến nay, đang trầy trật chuyenr EASY: Nap 1: 2h – Nap 2: 2.5h nhưng đang có xu hướng tăng lên 3h – Giấc đêm: 3h nhưng đang có xu hướng lên 3.5-4h,
Thực tế các em bé tự ngủ và ngủ dài càng ngày càng phổ biến, với các em bé tự ngủ thời gian từ lúc đặt bé đến lúc bé ngủ rất ngắn (5-10 phút). Với các em bé chưa biết cách tự ngủ, thời gian thức cần giảm đi 15-20 phút so với bảng trên.
Những điều cha mẹ nên biết về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Hầu hết các em khỏe mạnh đều có thể ngủ 12h không cần ăn từ 4 tháng trở đi. Có em sớm hơn rất nhiều. Bố mẹ cần nhìn nhu cầu ăn và ngủ của con để điều chỉnh.
Thông thường khi trẻ đủ 4 tháng thì đã cần ngủ đủ 11-12h ban đêm để có thể đảm bảo đủ khỏe mạnh và tỉnh táo cho các hoạt động ban ngày. Điều này đúng với khoảng 75% các em. Khoảng 10% các em cần ngủ nhiều hơn (12-13h) và phần còn lại cần ít hơn (10-11h), thời gian này KHÔNG KỂ thời gian mất đi do mẹ cho em bú đêm.
Cột giấc ngủ cuối nên kết thúc lúc: là dành cho các bé có nợ ngủ (trước không ngủ đủ, giờ phải ngủ bù). Một số trẻ 6 tháng trở ra cần dậy lúc 3:30 – 4:00 chiều để đảm bảo đi ngủ sớm ban đêm
Thời gian chờ để phản ứng khi con dậy đêm hoàn toàn phụ thuộc vào việc con dậy đêm thế nào. Thời gian chờ tối thiểu 10-15’ để đảm bảo con có đủ thời gian để có thể tự ngủ lại vào giấc sâu. Sau khi phản ứng lần 1, sau đó thì hoàn toàn phụ thuộc vào cách mẹ để cho con ngủ lại (CIO, PUPD….), tính tình của trẻ và hoàn cảnh gia đình.
Chốt lại là BỐ MẸ MÀ KHÔNG NHẤT QUÁN TRONG CÁCH CHO CON NGỦ LẠI THÌ CÀNG MẤT NHIỀU THỜI GIAN ĐỂ BÉ CÓ THỂ ĐI VÀO GIẤC SÂU. Bởi vì, khi trẻ lớn dần lên, nếu bố mẹ không nhất quán thì em sẽ hiểu là nếu khóc mãi thì bố mẹ sẽ phải thua.
Trình tự đi ngủ và nút chờ:
Càng lớn, khả năng tự ngủ không cần hỗ trợ của Cốm càng tốt, nên trình tự đi ngủ của mình cũng có sự thay đổi theo thời gian, dựa vào khả năng tự ngủ và nhu cầu cai hỗ trợ của Cốm, như sau:
0-3 tuần:
Tuần trăng mật, ngủ bất chấp. Nhưng mẹ vẫn thực hiện trình tự ngủ các giấc ngày và đêm từ 2 ngày tuổi. Trình tự đi ngủ 4S của mình lúc này như sau:
- Tắt đèn+ Kéo rèm (Thật ra lúc này chưa cần lắm vì con vẫn chưa phân biệt được ánh sáng, nhưng mình vẫn làm ngay từ đầu cho quen)
- Quấn
- Bật tiếng ồn trắng
- Windown (bế vác, vỗ nhẹ vào vai, hơi đu đưa), một xíu thôi vì con ngủ từ đời nào rồi mà, mấy cái này phải làm nhanh không quen ngủ trên người mẹ là chít hehe.
Giai đoạn này mình áp dụng trình tự ngủ ngày và đêm như nhau. Không có nút chờ vì nó ngủ suốt í mà haha.
3-6 tuần:
Kết thúc tuần trăng mật của Cốm đánh dấu bằng hiện tượng ngủ ngày cày đêm, mình thấy thế liền cho phân biệt trình tự đi ngủ ngày và trình tự đi ngủ đêm bằng việc chuyển tắm và mát xa làm trình tự ngủ đêm của Cốm, đồng thời không cho con ngủ quá 2.5h/3 nap đầu, nap 4 chỉ cho ngủ 45 phút, cố gắng cho con thức vào giấc đêm đủ 45 phút mới làm trình tự ngủ. Được 2 hôm là con hết lẫn lộn ngày đêm, đồng thời ban ngày bắt đầu thức được dài hơn.
Mình cũng kiên trì mời con dùng ti giả nhưng con vẫn chưa chịu.
Trình tự đi ngủ BAN NGÀY: (thực hiện cho 4 giấc ngày)
- Quan sát tín hiệu buồn ngủ sớm của con. Thấy con có tín hiệu lờ đờ, mắt nhìn vô định, đồng thời nhìn đồng hồ thấy thức được khoảng 30 phút thì bắt đầu làm 4S.
- Tắt đèn+ Kéo rèm.
- Quấn
- Bật tiếng ồn trắng
- Windown (bế vác, vỗ nhẹ vào vai, hơi đu đưa) khoảng 10-15 phút tùy giấc, mình sẽ windown cho đến khi người con thả lỏng (còn vươn thì còn vỗ), mềm người nhưng mắt vẫn còn mở, mắt lờ đờ thì đặt vào giường.
Để con tự ngủ thành công cần nhớ: ĐẶT CON VÀO GIƯỜNG KHI CON BUỒN NGỦ NHƯNG VẪN CÒN THỨC chứ đợi con mềm oặt, ngủ rồi mới đặt thì đừng hỏi tại sao đặt cái con lại khóc hay chuyển giấc con khóc nha quý dzị.
Giai đoạn này Cốm vẫn cần hỗ trợ khi chuyển giấc, vì Cốm ở phòng riêng nên mình quan sát con qua camera, nếu con hự hự nhỏ tiếng thì mình kệ, nếu con khóc to thì mình áp dụng nút chờ bắt đầu từ lúc khóc to. Thời gian 3 phút, sau đó vào kiểm tra bỉm, kiểm tra xem có phải con vẫn còn đầy bụng không thì bế lên vỗ ợ ngay (đọc tín hiệu con bị đau bụng do đầy hơi), nếu không phải thì quấn lại nếu tuột quấn, và dùng Shh-vỗ ngay khi con vẫn nằm trong cũi để con ngủ lại.
Nếu shh-vỗ khi nằm trong cũi mà con vẫn khóc to, ưỡn người, vặn vẹo nhiều, có nguy cơ thì mình bế lên vừa bế vừa shh và vỗ vào lưng. Trong trường hợp con đầy hơi thì cũng vừa vỗ ợ vừa shh. Khi thấy người con thả lỏng (dù vỗ ợ hay không) thì mình vừa shh, vừa vỗ vừa đặt con nằm xuống cũi, cho con nằm hơi nghiêng, một tay giữ người con, một tay vỗ, miệng shh đến khi con ngủ say mới thôi. Vì Cốm bị trào ngược nên mình cho con nằm cao, góc nghiêng 15 độ.
Trình tự đi ngủ giấc đêm:
Đáng lẽ sau khi hết nap 4 thì có bữa ăn dù ăn chưa được 3h, nhưng Cốm cho ăn kiểu đó thì không chịu (bả ghê lắm chứ đùa à), nên mình làm trình tự như sau.
- Tập tummy time.
- Đi tắm. Đáng lẽ tắm xong con được quấn vào khăn bông và bú luôn rồi mới làm các hoạt động khác, nhưng nếu Cốm mà làm thế thì xác định tuôn hết cả sữa ra, nên routine của Cốm sẽ lệch một chút, mọi ng lưu ý nếu con không bị trào ngược như Cốm).
- Mát xa.
- Mặc quần áo.
- Bú.
- Vỗ ợ hơi.
- Nếu còn thời gian thì tâm tình cho đến khi thức đủ 45′ phút, nếu không thì làm 4S như ban ngày.
6-8 tuần:
Tuần khủng hoảng, mình vẫn kiên trì mời ti giả và thấy con bắt đầu chịu dùng vào lúc này, ơn trời, đợt ww này không có ti giả chắc còn mệt nữa.
WW này Cốm có dấu hiệu chuyển cần kéo dài waketime như sau:
Nap 4 hầu như không ngủ. Catnap đến 80% và mẹ phải hỗ trợ nhiều và lâu mới có thể ngủ lại. Đêm khóc lúc vào giấc. Nên mình cắt nap 4, kéo dài thời gian thức mỗi ngày 1 ít (vì phịch phát lên hơn 1 tiếng là nàng quá giấc ngay).
Trình tự giấc ngủ ngày:
Quan sát tín hiệu buồn ngủ của con, kéo dài mỗi ngày 1 chút cho đến khi con không còn catnap nữa là waketime chuẩn
- Tắt đèn+ Kéo rèm.
- Quấn
- Bật tiếng ồn trắng.
- Windown 10-15’ (con không dùng ti giả thì có thể cần windown lâu hơn khi vào ww).
- Đặt con vào giường khi con buồn ngủ nhưng vẫn còn thức, cho con dùng ti giả.
Nút chờ tăng lên 5 phút, vào kiểm tra như phía trên đã nói, cho ti giả, nếu ti giả không chịu dùng shh-vỗ như trên.
Giấc đêm nhờ có ti giả nên kéo dài thời gian thức dễ hơn ngày (ngày bạn í chỉ chịu ti giả khi làm sleep routine). Sau khi tắm xong là Cốm khóc đòi đi ngủ rồi vì lúc này mẹ cắt giấc 4 nên thức dài hơn mà, mình thử cho ti giả thì chịu mút, hơi mơ màng nhưng vẫn thức. khi nào thấy chuẩn bị ngủ hơi lấy ti ra là lại tỉnh và thức được đủ 1.5h cho đến tận lúc ngủ. Trình tự đi ngủ đêm y hệt phía trên đã nói, chỉ có điều bước cuối cùng có thêm ti giả thôi.
9-13 tuần:
Trình tự y hệt như trên nhưng có thay đổi là windown giảm chỉ còn 5-7’ cả ngày và đêm. Chuyển giấc: Nút chờ 7-10 phút. Hỗ trợ bằng ti giả, không hỗ trợ bằng shh/vỗ nữa.
14-16 tuần:
Trình tự đi ngủ ngày lúc này giảm còn như sau:
- Đến giờ cho vào làm thủ tục đi ngủ, có quan sát tín hiệu buồn ngủ.
- Tắt đèn+ Kéo rèm.
- Quấn. Ngày dùng quấn cộc, đêm quấn classic 1 tay.
- Bật tiếng ồn trắng
- Đặt vào giường. Mời ti giả, dùng hay không tùy Cốm.
Nút chờ: 15-20 phút. (Hiếm, vì chuyển giấc rất tốt).
Trình tự đi ngủ đêm vẫn là: Tắm – Mát xa, mặc đồ – Bú – Vỗ ợ – Hoạt động tĩnh với bố/mẹ/chị Sâu – trình tự 4S giảm dần như ở phía trên.
17 tuần đến nay:
Trình tự lại giảm tiếp còn như sau:
- Đến giờ cho vào phòng, có kết hợp quan sát tín hiệu buồn ngủ.
- Tắt đèn + kéo rèm.
- Đặt Cốm vào giường. Mời ti giả, thích thì ti không thì thôi cho mút tay tự ngủ.
Nút chờ: 15-20 phút (đang ww nên cũng cắc bụp haha, có hôm gào ầm ĩ 15’, mẹ vào ngó 1 phát cươi toe toét rồi mút tay ngủ lại, thế có hâm không cơ chứ).
Trình tự đi ngủ đêm:
Tắm – Mát xa, mặc đồ – Bú – Vỗ ợ – Hoạt động tĩnh với bố/mẹ/chị Sâu – Thấy buồn ngủ cho vào phòng tắt đèn, kéo rèm – Bật tiếng ồn trắng – Đặt vào giường, ti giả tùy nhu cầu.
Trên đây là lịch trình sinh hoạt cụ thể của bé Cốm nhà mình trong suốt giai đoạn sơ sinh đến nay. Hy vọng với những chia sẻ thưc tế này các bố mẹ có thể nhận ra được đâu là nguyên nhân trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc và tự đưa được ra cách giúp trẻ ngủ ngon và tự ngủ.