Cẩm nang mang thai: Thai nhi 33 tuần tuổi
Thai nhi 33 tuần tuổi nặng khoảng gần 2kg và có làn da đẹp hơn, sáng hơn và mịn hơn thai nhi 32 tuần tuổi. Lúc này hệ miễn dịch của bé đã được trang bị nhằm nâng cao tình trạng sức khỏe, tuy nhiên bé vẫn còn rất yếu ớt và dễ nhiễm bệnh. Các bố mẹ nên chú ý đến vấn đề này khi con ra đời vì trẻ sơ sinh rất dễ bị mắc bệnh, nếu không chữa trị kịp thời có thể gây nguy hiểm cho con.
Mẹ trong giai đoạn thai nhi tuần thứ 33 sẽ có một số biểu hiện như tê nhức chân tay, hoa mắt chóng mặt,… đây đều là những dấu hiệu cho thấy mẹ đang thiếu chất dinh dưỡng đấy. Do đó mẹ nên nhanh chóng bổ sung các chất dinh dưỡng thiết yếu như canxi, vitamin,… để khắc phục tình trạng sức khỏe.
Sự thay đổi cơ thể thai nhi 33 tuần tuổi
Tuần thai thứ 33, cân nặng của bé nằm trong khoảng 1,9kg và cao khoảng 43,7cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân. Lớp mỡ dưới da là bộ phận giúp bé điều chỉnh thân nhiệt sau khi được sinh ra đang ngày càng dầy lên. Điều này khiến cho làn da bé hồng hào, láng mịn, và trông bé cũng tròn trĩnh hơn.
Thai nhi 33 tuần tuổi.
Bộ xương của thai nhi 33 tuần tuổi giờ đây đã tương đối cứng cáp trong khi xương hộp sọ vẫn còn mềm và chưa liền nhau. Điều này giúp bé chui ra khỏi bụng mẹ một cách dễ dàng. Đồng tử mắt của bé đã bắt đầu hoạt động, tiếp nhận ánh sáng. Mặc dù vậy, bé vẫn ngủ rất nhiều, thời gian mở mắt chỉ trong chốc lát, bé ngủ là chủ yếu.
Thời điểm này, bé đã xuất hiện những giấc mơ, bạn có thể nhận thấy qua việc mí mắt bé chuyển động liên tục khi ngủ. Hệ thần kinh trung ương đang trưởng thành khiến bé có thể cảm nhận được môi trường tử cung xung quanh mình cũng như nghe thấy âm thanh, cảm nhận được ánh sáng, nếm được mùi vị…
Các cơ quan quan trọng khác của bé như phổi, gan đã hoàn thiện chức năng của mình. Nếu không may bạn có sinh non trong tuần này, bé chỉ cần ở trong lồng kính một thời gian ngắn là bé có thể thích nghi một cách độc lập với môi trường mới.
Nhật ký thai kỳ theo từng ngày của bé trong tuần thứ 33
Ngày thứ 225: Bé mở miệng rộng hơn một chút và có thể ngáp lớn nữa đấy. Đó là dấu hiệu cho thấy bé biết mỏi mệt khó chịu, buồn tẻ và tất cả được biểu lộ trên cơ mặt của bé.
- Mẹ làm cho bé: Hãy bổ sung thêm omega-3 vào khẩu phăn ăn mỗi ngày để giúp não bé phát triển tốt hơn. Chất này có phổ biến trong thịt bò và các loại cá.
Bổ sung Omega-3 cho mẹ và bé.
Ngày thứ 226: Hệ miễn dịch của bé đã được trang bị để chống lại các loại bệnh nhiễm khuẩn.
- Mẹ làm cho bé: Hãy cho bé sơ sinh tránh ra chỗ công cộng ít nhất là vài tuần sau sinh, bởi vì lúc này hệ miễn dịch của bé còn rất yếu, chưa phát triển toàn diện nên bé rất dễ bị nhiễm bệnh.
Ngày thứ 227: Móng tay thai nhi 33 tuần tuổi lúc bấy giờ đã sắc và cứng hơn.
- Mẹ làm cho bé: Bạn sẽ phân vân chưa biết làm gì để bảo vệ an toàn cho bé khi về nhà? Thật ra thì bạn không cần quá lo lắng về vấn đề này cho đến khi nào bé có thể tự bò đi vòng quanh được. Tuy thế cũng cần một số kiến thức cơ bản trong việc bảo vệ an toàn cho bé như: Bịt các ổ cắm điện, đóng chặt cửa sổ và ngăn lối cầu thang…
Ngày thứ 228: Hệ xương của bé bấy giờ sẽ cứng cáp hơn rất nhiều trừ xương hộp sọ, nó phải đủ mềm để trượt qua các thứ khác. Độ mềm và đàn hồi của hộp sọ giúp cho bé dễ chào đời hơn. (trượt qua khe sinh dễ dàng hơn).
- Mẹ làm cho bé: Hầu hết các mẹ đều muốn kết nối với bé ngay khi nhìn thấy bé xuất hiện, đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy tình mẫu tử không xuất hiện trong phút giây đầu hoặc một vài ngày sau sinh. Sự gắn kết ấy sẽ tiếp tục trong tuần tới vì nó là một mối liên kết sâu nặng.
Ngày thứ 229: Cơ thể bé bây giờ đang nằm gọn giữa tử cung bạn, dĩ nhiên là có vài bộ phận bị chệch ra ngoài một chút.
- Mẹ làm cho bé: Bởi vì bé có đến 266 ngày để đá, quẫy đạp trong tử cung của bạn nên chắc chắn là bạn cảm nhận được các chuyển động liên tiếp của bé. Bé có thể sẽ đá hoặc lắc lư…và khi ra đời, bạn cũng nên cho bé được lắc lư trong xe nôi như thế.
Ngày thứ 230: Bé không còn tự do trôi nổi trong môi trường nước ối nữa nhưng dĩ nhiên là bé vẫn rất khỏe mạnh.
- Mẹ làm cho bé: Cho đến tuần này, tất cả những vị trí mà bé di chuyển trong dạ con đều được xem là bình thường, theo đó, một số em bé sẽ bị đẻ ngôi mông (đầu lên trên, mông ngược xuống) không có gì lạ. Cứ 25 bé thì có 1 bé bị đẻ ngôi mông và thai nhi này hoàn toàn đủ tháng. Nếu làm siêu âm thì sẽ thấy mông thay thế vị trí cho đầu, bác sĩ sẽ đo kích cỡ em bé, khung xương chậu, tính toán giai đoạn mang thai… trước khi đề nghị bạn nên sinh con theo phương pháp C-section (mổ lấy bé) hay sinh thường.
Ngày thứ 231: Thai nhi có thể thích nghe nhạc cổ điển hoặc những giai điệu tương tự như là những bài hát, câu chuyện…
- Mẹ làm cho bé: Không quá sớm để tìm kiếm một nhà giữ trẻ ở trong vùng, không chỉ hữu dụng cho bạn mà còn giúp bé hưởng được những lợi ích như là được chăm sóc và học tập từ bè bạn.
Thay đổi cơ thể mẹ khi thai nhi được 33 tuần tuổi
Những tuần cuối cùng này là lúc bạn nên dành thời gian để thư giãn và cảm thấy tự hào về những gì mà cơ thể bạn đang làm để nuôi dưỡng em bé. Cho dù đáng ra bạn phải cảm thấy rất mệt mỏi khi thai nhi 33 tuần tuổi, thì vẫn có những điều dễ chịu để bạn tận hưởng. Thường thì mọi người sẽ đối xử rất tử tế với bạn, và luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu họ thấy bạn đang cần.
Mọi người thường tò mò và quan tâm một cách chân thành về bạn, về em bé. Và bạn sẽ thường được hỏi rằng bao giờ thì sinh, bạn có biết thai nhi 33 tuần tuổi là con trai hay con gái chưa, đây có phải là con đầu lòng của bạn hay không,vv… Sự quan tâm, thích thú của mọi người thường dễ được lan tỏa, và điều này thường khiến bạn càng cảm nhận được rõ ràng rằng bạn sắp đón nhận một sự kiện rất trọng đại trong đời. Mọi người cũng rất dễ thông cảm với bạn, nên bạn không cần phải mất sức giải thích gì nhiều mỗi khi bạn muốn nghỉ ngơi thay vì tham gia một vụ tiệc tùng hay tụ tập nào đó. Và sự thật là bạn sẽ muốn làm như vậy, nhất là nếu bạn mang thai vào mùa hè, khi mà việc phải ì ạch mang vác một chiếc bụng bầu bự quả là một thử thách.
Những thay đổi của cơ thể bạn trong tuần này
- Nếu em bé của bạn đến giờ vẫn còn đang nằm ngôi ngược, thì hy vọng tuần này bé sẽ chuyển sang ngôi thuận. Điều này sẽ khiến cho bạn thở phào nhẹ nhõm, vì cái đầu nhỏ mà cứng và đầy xương kia sẽ không còn thúc vào ngay dưới mạng sườn của bạn nữa. Nằm ngôi thuận là tư thế thuận lợi nhất để em bé ra đời.
- Lúc này, có thể hai đầu vú của bạn đã bắt đầu rỉ ra một chút sữa non. Bạn sẽ thấy sữa đóng khô lại ở trên đầu vú mỗi khi cởi áo ngực ra. Ngực bạn càng trở nên nặng nề hơn và vằn vện những đường gân máu xanh. Hãy nhớ mặc áo ngực dành cho thai phụ, và cỡ loại vừa vặn, phù hợp với mình. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực mà hai bầu ngực nặng nề đang đặt lên vai và lồng ngực của bạn.
- Khối nước ối bao bọc em bé đang đạt khối lượng lớn nhất, và từ giờ nó sẽ chỉ giảm dần đi. Dịch ối có mùi rất đặc trưng, và không hề giống mùi nước tiểu. Ở giai đoạn này, các bà mẹ mang thai thường hay nhầm lẫn, không biết họ đang bị đái rắt hay rò nước ối. Nếu bạn nghi ngờ màng ối của bạn bị vỡ, hãy nhờ bác sĩ hoặc hộ sinh của bạn kiểm tra. Họ sẽ xét nghiệm dịch này để biết nó thực chất là gì.
- Bạn sẽ có thể cảm giác như tim mình đang đập loạn nhịp, hoặc đập nhanh hơn trong thời gian này. Bởi vì có nhiều thay đổi trong việc phân bổ các mạch máu chủ và vì cái khối lượng đang đè lên tim, việc tim đập nhanh là rất bình thường. Nhưng nếu bạn bị đau ngực và khó thở, thì cần phải hỏi ý kiến bác sĩ ngay.
Những thay đổi tâm lý của mẹ khi thai nhi 33 tuần tuổi
Một cảm giác nóng ruột thiếu kiên nhẫn bắt đầu len lỏi vào trong bạn. Bạn cảm thấy chờ đợi như vậy là quá đủ rồi. Bạn đã tưởng tượng hình dáng và khuôn mặt của con lâu nay, và giờ bạn chỉ muốn xem xem tưởng tượng của mình đúng đến đâu. Con mình liệu có cái mũi giống mình không? Liệu nó trông có giống bố chồng mình không? Liệu có phải là con trai (hoặc con gái) giống như mình mong muốn hay không? Có hàng triệu câu hỏi nhảy nhót trong đầu bạn. Hãy kiên nhẫn. Em bé vẫn đang lớn, và sẽ ra đời khi em bé đã sẵn sàng.
Bạn sẽ hơi ủy mị một chút, và dễ bị xuống tinh thần trong tuần này. Chân và lưng đau nhức cứ rút hết sức lực của bạn, và bạn giờ chẳng muốn làm gì nữa cả. Hãy chiều theo những gì mà cơ thể đang cố gắng nói với bạn: nghỉ ngơi một chút, và hãy thư giãn, đừng bắt bản thân mình phải cố gắng quá khi không cần thiết. Hãy bỏ ra hẳn mấy ngày để thư giãn nếu bạn có điều kiện làm vậy. Bạn vẫn chưa đến lúc sinh, thế nên hãy chăm sóc, nuôi dưỡng bản thân mình cho đến khi bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Bà bầu tuần thứ 33 dễ bị xúc động.
Thật là khó để nhớ đến thai kỳ như một quãng thời gian khỏe mạnh bình thường trong đời. Đôi khi nó trở thành một gánh nặng, nhưng đối với phụ nữ mạnh khỏe và đầy đủ khả năng sinh sản, thì mang thai là một trạng thái hoàn toàn tự nhiên. Hãy bình thường hóa nó, đừng nhìn nó như thể một cái gì đó bất bình thường và cần được chữa trị. Dù thai nhi 33 tuần tuổi hay bất kỳ tuần tuổi nào cũng vậy.
Dinh dưỡng cần thiết
Giai đoạn thai nhi 33 tuần tuổi này mẹ bầu nên tăng khẩu phần ăn với nhiều loại trái cây và rau khác nhau để tăng cường chất xơ, chống táo bón. Cũng phải lưu ý rằng, một chế độ ăn uống giàu chất xơ chỉ phát huy hiệu quả tối đa nhất khi bạn uống nhiều nước. Nhớ đảm bảo uống đủ 8 ly nước mỗi ngày các mẹ nhé!
Nếu bạn thấy hoa mắt chóng mặt thường xuyên trong giai đoạn này, đây là một dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang bị thiếu chất sắt và một số vitamin cần thiết. Do đó hãy bổ sung lượng sắt cho cơ thể qua các nguồn thực phẩm như thịt bò, gan, khoai tây…
Một số các biểu hiện như đau nhức, tê buốt cổ tay, cổ chân… cũng có thể là biểu hiện của việc thiếu canxi. Bạn cũng có thể bù đắp thêm một số thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày như tôm, tép nhỏ ăn cả vỏ, đỗ, trứng, sữa…
Mẹ cần tích cực bổ sung những thực phẩm giàu canxi.
Bạn nên tránh các loại thực phẩm nhiều gia vị, dầu mỡ và có tính axit để giảm thiểu những khó chịu của chứng ợ nóng. Hoặc bạn cũng có thể chia nhỏ các bữa ăn, tránh ăn gần lúc đi ngủ để dễ hấp thu chất dinh dưỡng và kìm hãm các triệu chứng của ợ nóng.
Các bệnh thường gặp
Phần đông các thai phụ trong giai đoạn thai nhi 33 tuần tuổi này có nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn B. Đây là loại khuẩn trú ngụ ở âm đạo và trực tràng của mẹ. Nó có thể gây hại cho cả mẹ và bé, hơn nữa cảm giác khó chịu, bí bách do bệnh này gây ra cũng khiến cho bạn cáu, bực bội.
Nếu mẹ nhận thấy có những lằn hay nốt đỏ ngứa ngáy trên bụng mình, ở bắp đùi và ở mông nữa, mẹ có thể đang bị tình trạng gọi là sẩn ngứa mề đay hay nốt sần thai kỳ (gọi tắt là PUPPP). Mặc dù bệnh này không gây nguy hiểm nhưng lại đem đến cho bạn cảm giác khó chịu, khiến bạn không tự tin khoe chiếc bụng bầu đáng yêu của mình với mọi người. Nếu thấy triệu chứng bị ngứa khắp người, kể cả khi không hề bị nổi ban, bạn nên đến khám bác sĩ, vì rất có thể đây là một dấu hiệu bạn gặp vấn đề về gan.
Bà bầu có thể bị ngứa trong giai đoạn thai kỳ tuần thứ 33.
Ngoài ra, bạn nên lưu ý về chứng trầm cảm thai nghén, bệnh này khá nguy hiểm đối với mẹ và bé. Biểu hiện là mẹ ít nói chuyện, không muốn nói chuyện hoặc chỉ nói chuyện với em bé trong bụng. Mẹ thường hay nghĩ gì đó mông lung, không cụ thể, nhìn xa xăm và mất ngủ thường xuyên. Bệnh này có thể là do mẹ bị áp lực hoặc một trấn động quá lớn khi mang thai, những lo lắng về em bé, nỗi sợ hãi khi sinh…
Bố mẹ nên làm
Đi khám thai nhi 33 tuần tuổi thường xuyên khi bước vào giai đoạn này là việc bố mẹ nên làm nhất. Việc này giúp bố mẹ có thể theo dõi được sức khỏe và sự phát triển bình thường của con, dự tính ngày sinh chính xác nhất, theo dõi được tình hình sức khỏe của mẹ.
Mua sắm một số đồ dùng cần thiết cho những ngày sắp tới như quần áo trẻ sơ sinh, bình sữa, sữa….để không bị lúng túng khi em bé của bạn chào đời.
Bố mẹ nên dành thời gian để cùng nhau đi dạo lúc tối hoặc sáng sớm để giúp mẹ có sức cho những ngày chuyển dạ sắp tới. Hơn nữa bạn cũng có thể tận dụng thời điểm này để bàn bạc về những dự định tương lai cho thiên thần nhỏ của mình.
Có khá nhiều bé sinh non khi thai nhi 33 tuần tuổi nên mẹ cần bảo vệ và giúp bé chào đời đúng hạn.
Mỗi tuần thai – một chủ đề: 3 câu hỏi về sinh mổ
Câu hỏi 1: Khả năng sinh mổ của tôi là bao nhiêu?
Ngày càng nhiều sản phụ sinh con theo phương pháp mổ lấy thai, chiếm từ 30-40%. Trong một số trường hợp nhất định, việc phẫu thuật này đã được dự tính trước. Trong một số trường hợp khác, sinh mổ được chỉ định thực hiện khi xuất hiện biến chứng không lường trước được.
Câu hỏi 2: Vì sao tôi có thể cần sinh mổ?
Bạn có thể phải tiến hành mổ lấy thai ngoài ý muốn vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như cổ tử cung của bạn ngừng giãn nở, em bé của bạn không tiếp tục tụt xuống đường sinh hoặc nhịp tim của bé khiến cho bác sĩ lo lắng. Việc mổ lấy thai có thể được đề nghị nếu:
- Bạn đã từng sinh mổ, có một vết rạch tử cung theo chiều dọc “kinh điển” hoặc từng sinh mổ nhiều hơn một lần. (Nếu bạn chỉ mới sinh mổ một lần và có vết rạch nằm ngang, bạn vẫn có thể sinh thường cho bé thứ hai.)
- Bạn đã từng tiến hành một số dạng phẫu thuật tử cung xâm lấn khác, chẳng hạn như mổ bóc cơ (phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung).
- Bạn đang mang nhiều hơn một em bé. (Một số cặp song sinh có thể được sinh thường, nhưng tất cả các trường hợp mang thai nhiều hơn đều đòi hỏi phải sinh mổ.)
- Thai nhi quá lớn không thể sinh thường.
- Bé ở ngôi mông (mông ra trước) hoặc vị trí nằm xoay ngang. (Trong một số trường hợp, chẳng hạn trong một ca mang thai đôi mà đứa con đầu tiên ở vị trí đầu xoay xuống, đứa thứ hai lại ngược thì đứa trẻ ở vị trí ngược này vẫn có thể được sinh thường.)
- Bạn bị nhau tiền đạo (khi nhau thai quá thấp trong tử cung, có thể trùm lên cổ tử cung).
- Con bạn bị một bệnh hoặc dị tật có thể khiến cho việc sinh thường trở nên nguy hiểm.
- Bạn dương tính với HIV, và xét nghiệm máu gần cuối thai kỳ cho thấy bạn có lượng virus cao.
Câu hỏi 3: Tôi nên trông đợi những gì trong một ca sinh mổ?
Thường thì anh ấy có thể ở cạnh bạn trong quá trình phẫu thuật. Nếu bạn chưa được nối ống truyền tĩnh mạch thì các bác sĩ sẽ nối cho bạn, và cả một ống thông đường tiểu để dẫn nước tiểu ra trong quá trình phẫu thuật, và bạn sẽ được tiêm gây tê ngoài màng cứng hay gây tê cột sống, việc này sẽ khiến nửa dưới cơ thể bạn tê đi nhưng bạn vẫn còn tỉnh táo và nhận biết được. Một tấm màn sẽ được dựng lên để bạn không phải quan sát hết quá trình thực tế. Một khi bác sĩ chạm tới tử cung của bạn và rạch đường cuối cùng, bác sĩ sẽ dễ dàng lấy em bé ra, đưa đến gần để bạn có thể nhìn thấy bé trước khi chuyển sang chỗ bác sĩ nhi hay y tá. Khi các bác sĩ kiểm tra và khám cho con bạn, bác sĩ mổ sẽ cắt nhau và khâu vết rạch lại cho bạn.
Khi con bạn đã được kiểm tra xong, bác sĩ nhi hay y tá sẽ đưa bé cho bố bế, chồng bạn có thể bế con đứng ngang cạnh bạn để bạn có thể ôm con và hôn bé trong khi đang được khâu lại. Việc đóng tử cung và bụng bạn lại sẽ mất nhiều thời gian hơn quá trình mở ra. Phần này của ca phẫu thuật thường mất khoảng 30 phút. Khi ca phẫu thuật hoàn tất, bạn sẽ được đẩy về phòng hồi sức, nơi bạn sẽ có thể ôm con mình và cho bé bú nếu muốn.
Thai nhi 33 tuần tuổi
Lên kế hoạch dự phòng cho việc sinh nở. Dù thời gian mang thai lý tưởng là 40 tuần, mẹ có thể sẽ sinh sớm hơn hoặc có biến chứng nào đó buộc phải ở lại bệnh viện lâu hơn dự tính.
Mẹ có thể sinh sớm hơn nên tốt nhất hãy lên kế hoạch dự phòng sinh nở.
Hãy đưa chìa khóa nhà cho người thân để phòng trường hợp mẹ cần thứ gì đó trong khi không thể về nhà. Lên danh sách những người sẽ giúp mẹ những việc sau đây:
- Chăm sóc cho các con.
- Đưa đón những trẻ lớn đi học hoặc các lớp ngoài giờ.
- Những việc vặt ở nhà như chăm sóc vật nuôi, tưới cây cảnh.
- Làm thay công việc của mẹ tại chỗ làm hay bất cứ nghĩa vụ nào khác.
Những thông tin về thai nhi 33 tuần tuổi này của mình hi vọng sẽ giúp các mẹ đỡ bỡ ngỡ khi con bước sang giai đoạn cuối thai kỳ. Chúc các chị em luôn khỏe.