Cách phòng tránh thực phẩm bị nấm mốc
Đã bao giờ bạn gặp tình trạng thực phẩm bị nấm mốc chưa? Và bạn đã xử lý thực phẩm bị nấm mốc đó như thế nào? Bài viết sau đây mình sẽ phân tích rõ sự nguy hiểm của các loại nấm mốc trong thực phẩm đối với sức khỏe của chúng ta, đồng thời làm thế nào để phòng tránh các loại nấm mốc phát sinh trong quá trình bảo quản thực phẩm.
I/. Thực phẩm bị nấm mốc nguy hiểm như thế nào?
1. Nấm mốc xuất hiện như thế nào?
Thực phẩm sau khi bị nhiễm nấm chúng ta thường thấy có 1 vùng màu trắng hoặc xanh trên bề mặt, đôi khi sẽ là những màu xậm hơn như màu xám, nâu, đen…
Vùng nhiễm nấm có thể chiếm 1 phần hoặc toàn bộ bề mặt của thực phẩm. Tuy nhiên ít ai biết rằng dù chỉ xuất hiện trên 1 phần của bề mặt, các loại vi nấm đó đã bám rễ và ăn sâu vào bên trong thực phẩm mà mắt thường chúng ta không thể nhìn thấy được.
2. Cấu tạo 3 phần của Nấm mốc: Rễ, Thân, Cuống & Bào tử
Nấm mốc khi bám vào thực phẩm sẽ gồm 3 phần chính như sau:
- Phần rễ: ăn rất sâu và chi chít bên trong thực phẩm, đáng tiếc vì các loại rễ nấm mốc vô cùng nhỏ nên mắt thường chúng ta không nhìn thấy được => dễ chủ quan thực phẩm không bị nhiễm nấm, chỉ rửa bề mặt hoặc cắt bỏ 1 phần thực phẩm => ăn vào vô cùng độc hại.
- Phần thân: có cấu tạo đơn bào hoặc đa bào (hoặc tương tự), phần thân nấm dẫn lên cuống nấm có thể sản xuất ra các bào tử nấm. Mắt thường chúng ta không nhìn thấy được.
- Phần cuống + bào tử: đây là phần mắt thường có thể nhìn thấy, nằm trên bề mặt của thực phẩm.
Thoạt nhìn bề ngoài các bạn trông có vẻ như sự phát triển nấm mốc chỉ diễn ra trên bề mặt, thực tế không như vậy.
Nấm mốc là một loại nấm có cấu trúc tương tự như gốc cây, thân và bào tử. Các rễ của mọi loại nấm mốc có thể phát triển rất sâu bên trong thực phẩm mà các bạn không thể thấy bằng mắt thường. Còn những gì chúng ta nhìn thấy ở bề mặt chỉ là cuống và bào tử nấm.
Các bạn lưu ý: vì nấm mốc có đặc điểm mềm, thích môi trường ẩm nên nấm mốc thường phát triển dựa trên quy luật như sau:
- Thực phẩm có bề mặt mềm, môi trường xốp và ẩm: là môi trường phát triển thuận lợi cho các loại nấm mốc, nấm mốc có thể phát triển phần rễ ăn sâu vào bên trong thực phẩm đó.
- Thực phẩm có bề mặt cứng, môi trường cứng và khô: môi trường bất lợi cho nấm mốc phát triển, khó ám rễ sâu bên trong.
3. Nấm mốc rất dễ lây lan và phát tán qua không khí
Những gì bạn thấy trên bề mặt chỉ là các cuống và bào tử nấm. Các bào tử nấm có thể phát tán trong không khí và nhanh chóng “lây lan” sang các thực phẩm khác ở bên cạnh.
Ngoài ra, do kết cấu mềm và hàm lượng hơi ẩm cao nên có khả năng các tế bào nấm mốc đã lây lan sang các phần thực phẩm mà bạn không nhìn thấy được.
4. Tác hại của nấm mốc với sức khỏe
Dĩ nhiên không phải mọi loại nấm mốc đều gây hại.
Trong số 200.000 loại nấm mốc khác nhau trong tự nhiên, có khoảng 50 loài nấm mốc là có hại cho người và động vật. Các loại này có thể chia thành hai nhóm: Nhóm gây bệnh dịch và nhóm gây ngộ độc cho sức khỏe. (Ở bài này mình chỉ tập trung nói về tác hại của nấm mốc đến sức khỏe của chúng ta mà thôi, do nhóm dịch bệnh liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, dành cho những người làm nông nhiều hơn).
- Một số loại nấm mốc sẽ gây kích ứng da, hoặc gây ra phản ứng dị ứng hoặc các ảnh hưởng đến đường hô hấp. Vì vậy các bạn nhớ đừng bao giờ ngửi thực phẩm đã mốc.
- Một số loại nấm mốc tạo ra các chất độc hại được gọi là độc tố nấm mốc, có thể gây ra bệnh nghiêm trọng (đặc biệt là bệnh ung thư).
=> An toàn nhất các bạn hãy bỏ đi nếu thấy thực phẩm bị nhiễm nấm mốc, không nên tiếc gây ảnh hưởng sức khỏe.
Các bạn có thể truy cập website của Bộ Nông nghiệp Mỹ để tìm hiểu thêm về tác hại của nấm mốc: usda.gov
II/. Các loại thực phẩm nhiễm nấm mốc thường gặp
Các sản phẩm dưới đây thường hay gặp nấm mốc. Nếu bạn thấy nấm mốc, các bạn hãy bỏ ngay đi nhé, đừng tiếc dùng vào có khi lợi bất cập hại 🙁
1. Các loại thịt nhiễm nấm mốc:
Bất cứ loại thịt cá nào cũng có thể nhiễm nấm mốc: thịt, cá tươi, thịt nấu chín, thịt xông khói, hot-dog, thịt hầm… đều có thể nhiễm nấm mốc nếu bảo quản quá lâu hoặc không đúng cách.
2. Các loại đậu, các loại hạt, các loại ngũ cốc:
Các loại thực phẩm họ đậu, các loại hạt trong củ, quả, các loại ngũ cốc như gạo, ngô, lúa mạch… và sản phẩm làm từ chúng như bún, mì, các loại mì ống, bơ đậu phộng, đậu… đều có khả năng bị nhiễm nấm mốc rất cao.
Các sản phẩm họ đậu, đặc biệt là đậu phộng (lạc) bị nhiễm nấm mốc sẽ sinh ra độc tố Aflatoxin B1 cực độc, với 1 liều lượng cực nhỏ đã có thể gây u gan hoặc ung thư gan.
3. Các sản phẩm làm từ sữa bị nấm mốc
– Với các sản phẩm mềm như sữa chua và kem, phô mai cắt nhỏ, phô mai mềm… (có cấu trúc mềm và ẩm) thì khi bị nấm mốc rất nguy hiểm, rễ nấm mốc có thể ăn sâu vào bên trong => Tốt nhất các bạn nên bỏ đi càng nhanh càng tốt.
– Tuy nhiên, với các sản phẩm phô mai cứng, cấu trúc khô thì các bạn có thể dùng dao cắt bỏ lớp bên ngoài để dùng lại phần bên trong. Tuy nhiên bạn cần phải cẩn thận để dao không bị nhiễm nấm mốc, phần còn lại hoàn toàn ăn được.
=> Lý do là nấm mốc chỉ sinh sôi phát triển trong môi trường có độ ẩm, cấu trúc mềm, trong khi đó các loại phô mai này cứng và khô. Vì thế, nấm mốc sẽ không thể xâm nhập vào sâu xuống phía dưới bề mặt phô mai cứng được.
4. Các loại thạch và mứt trái cây bị nấm mốc:
Các loại thạch và mứt trái cây khi đã bị nhiễm nấm mốc bạn cũng nên bỏ đi khi có dấu hiệu của nấm mốc, vì chúng có thể chứa chất độc Mycotoxin (tên gọi của 1 nhóm độc tố do nấm mốc sinh ra, trong số này có Aflatoxin B1 cực độc).
Xem thêm: https://tailieu.vn/doc/mycotoxin-doc-to-trong-nam-moc-427965.html
5. Các sản phẩm bánh nướng bị mốc
Các sản phẩm làm từ ngũ cốc bị mốc: bánh mì, bánh nướng, bánh trung thu, bánh bakery các loại bị… khi bị mốc cũng nên được bỏ đi – không nên cắt tỉa những phần không có màu xanh để ăn => rất nguy hiểm cho sức khoẻ.
=> Có thể bạn sẽ thất vọng nếu phải vứt bỏ toàn bộ thực phẩm đã bị nhiễm nấm mốc nhưng hãy lưu ý rằng đây là một quyết định an toàn cho sức khỏe của mình và những người thân.
6. Các loại rau củ bị mốc
Nếu ớt, cà rốt, củ cải, củ dền, bí và rau khác với kết cấu cứng và dày có thể được chấp nhận với một chỗ mốc nhỏ miễn là bạn cắt bỏ hoàn toàn phần mốc đi. Lưu ý là chỗ cắt đó phải cách tối thiểu phần mốc khoảng 2cm sau đó rửa kỹ lại trước khi nấu.
Tuy nhiên, nếu ớt, bí xanh, cà rốt… đã có lớp nhớt bao phủ bên ngoài, bị đọng nước ở trong túi nilon, và có mùi lạ… hãy thẳng tay loại bỏ chúng.
Lý do là bởi, chất nhớt do các đám vi khuẩn phát triển trên bề mặt tạo thành. Chúng có thể khiến người dùng bị đau bụng dữ dội, gây ra bệnh tiêu chảy.
7. Các loại trái cây bị mốc
– Quả vỏ mềm: Theo các chuyên gia thuộc USDA, những loại trái cây có vỏ mềm, ruột mềm, mọng nước cần loại bỏ nếu bị mốc. Bởi lẽ, độ ẩm trong các loại quả này cao nên nấm mốc rất dễ lây lan.
Những loại trái cây như dâu tây, nho, cherry… cần loại bỏ nếu bị mốc.
– Quả vỏ cứng: các loại quả có vỏ khá dày như chanh, cam mà phần nấm mốc khá nhỏ và chỉ bị trên bề mặt thì bạn có thể xử lý được. Bạn hãy sử dụng miếng vải sạch nhúng vào nước nóng hoặc giấm để loại bỏ phần mốc. Sau đó lột bỏ hết lớp vỏ ngoài, nếu không có dấu hiệu mốc bên trong thì bạn có thể sử dụng được.
Tuy nhiên, bạn cần phải thật cẩn trọng với táo. Bởi chỉ cần một lỗ thủng nhỏ và mốc, nấm có thể xâm nhập ngay vào bên trong. Do đó, đừng tiếc mà bỏ chúng luôn nhé!
III/. Các loại độc tố nấm mốc (Mycotoxin) thường gặp
Nấm mốc sản sinh rất nhiều loại độc tố nấm mốc khác nhau, gọi chung là Mycotoxin. Dưới đây mình tổng hợp 06 nhóm mycotoxin (độc tố nấm mốc) chủ yếu:
- Độc tố Aflatoxin: nguy hiểm nhất, có trong nấm mốc các loại ngũ cốc, gây ung thư gan.
- Độc tố Ochratoxi: có thể gây ung thư, ảnh hưởng đến gan, thận và ức chế hệ miễn dịch.
- Độc tố Citrinin: ảnh hưởng đến tổng hợp RNA (sao chép gen di truyền).
- Độc tố Ergot Alkaloids: có trong các loại bánh bị nấm mốc, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
- Độc tố Patulin: có trong trái cây và rau quả bị mốc, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
- Độc tố Deoxynivalenol (Vomitoxin): gây ức chế sự tổng hợp protein trong cơ thể.
- Độc tố Fumonisin: độc tố có thể gây tử vong cho chúng ta.
Trong nhóm này đáng chú ý nhất chính là độc tố Aflatoxin, nhóm độc tố gây nguy cơ ung thư cao nhất.
Aflatoxin – nấm mốc gây ung thư (thường có trong các loại ngũ cốc)
Aflatoxin thường có trong các loại ngũ cốc bị nấm mốc. Một lượng nhỏ 0,03ppm Aflatoxin B1 đã có thể gây ra u gan.
Khi aflatoxin xâm nhập vào gan, nó sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Nếu người đang bị viêm gan B và ăn phải nấm mốc có chứa aflatoxin thì sẽ tăng nguy cơ ung thư gan cao.
Thực tế, nhiều người thấy gạo, đậu, bánh,… bị mốc nhưng tiếc không bỏ đi mà đem phơi khô để ăn tiếp, với suy nghĩ phơi qua nắng nấm mốc sẽ bị tiêu diệt hoặc họ sẽ tìm cách khắc phục và dùng bình thường. Nhưng, thực chất độc tố của các loại nấm mốc thường không được phá hủy hoàn toàn dù ở nhiệt độ rất cao.
IV/. Thực phẩm bị nấm mốc: Nếu rửa sạch, nấu chín => vẫn rất độc hại
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), trong môi trường tự nhiên có hàng nghìn loại độc tố nấm mốc.
Điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại nấm mốc này thường là môi trường nhiệt độ cao và độ ẩm trong không khí lớn. Do đó, việc bảo quản không tốt các loại thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm khô, ngũ cốc chứa hàm lượng tinh dầu cao sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng tình trạng nấm mốc phát triển.
Tỷ lệ nhiễm nấm mốc thông qua các loại ngũ cốc chiếm đến 25% (thường là lạc, ngô, gạo, lúa mì, các loại hạt họ đậu…)
Nhiều thử nghiệm của Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ cho thấy, khi đem hạt lạc (đậu phộng) đã bị mốc rang lên, mặc dù nhiệt độ rất cao nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn. Điều đó chứng tỏ, thực phẩm khi đã mốc dù được đem tẩy rửa, phơi nắng ở nhiệt độ cao hay đem nấu chín thì vẫn có nguy cơ gây hại khi ăn vào trong cơ thể.
Khi lương thực, thực phẩm, nhất là các loại ngũ cốc bị nấm mốc sẽ xuất hiện lớp phủ màu xanh, đen hoặc vàng nâu bên ngoài vỏ. Một số loại hạt khi tách ra, bên trong cũng xuất hiện màu tương tự. Nấm mốc không những làm giảm thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn gây hại cho cơ thể con người. Tuy nhiên, một số người lại có thói quen khi thấy thực phẩm bị mốc hoặc chớm mốc bên ngoài vỏ thường đem đi phơi lại hoặc rửa sạch trước khi chế biến. Đây là quan niệm sai lầm, bởi lẽ, nếu nấm mốc đã xuất hiện bên ngoài chứng tỏ chúng cũng đã phát triển cả bên trong thực phẩm. Do đó, tốt nhất không nên tiếc rẻ giữ lại ăn mà nên bỏ đi, tránh gây hại cho sức khỏe.
Nguồn: baomoi.com
V/. Cách ngăn ngừa thực phẩm bị nấm mốc trong quá trình bảo quản
Tuy nhiên, bảo quản thực phẩm không đúng cách sẽ vô tình tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, nấm mốc gây hại phát triển.
Dưới đây mình tổng hợp một số cách bảo quản thực phẩm để ngăn ngừa nấm mốc trong thực phẩm:
1. Thực phẩm tươi sống
Do đó, đối với các loại thực phẩm tươi sống, khi mua về cần bao gói cẩn thận và bảo quản trong tủ lạnh.
Các loại thực phẩm tươi sống không nên để quá lâu trong tủ, tối đa với rau củ quả là 2 tuần và với thực phẩm tươi đông lạnh là duới 12 tháng.
>> Tìm hiểu thêm về thời gian và cách bảo quản thực phẩm tươi sống, mời bạn xem bài:
- Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
- Cách bảo quản thịt, cá trong tủ lạnh
2. Thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp
Các loại thực phẩm đông lạnh đóng hộp, chế biến sẵn nên sử dụng một lần và hạn chế để lưu cữu trong tủ lạnh sau khi đã mở nắp ra sử dụng.
3. Rau củ quả
Hạn chế việc trữ quá nhiều đồ ăn, rau củ quả trong tủ lạnh vì vừa giảm khả năng bảo quản của tủ, vừa làm gia tăng các loại vi khuẩn phát sinh ngay bên trong tủ gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách bảo quản rau, củ, quả trong tủ lạnh
4. Thực phẩm khô, hải sản khô
Việc đặt lên ngăn đá không làm hải sản khô đông cứng, mà trái lại là cách để giữ được độ dẻo ngon của hải sản khô. Không nên đặt dưới ngăn mát, độ bảo quản không được dài và hải sản khô sẽ bị hút mất hơi ẩm khiến chúng trở nên cứng, ăn không còn ngon, ngọt. Để trong tủ lạnh độ 3-4 tuần, nên bỏ ra phơi lại rồi tiếp tục bảo quản như hướng dẫn trên.
5. Ngũ cốc khô
Với các loại thực phẩm khô, nguyên tắc “vàng” để không bị ẩm, dẫn đến nấm mốc là phải để ở nơi khô ráo, tránh nơi ẩm thấp và ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Chẳng hạn, các loại hạt, ngũ cốc có thể sử dụng vài tháng, thậm chí cả năm nếu biết cách bảo quản hợp lý. Nên phơi khô và đựng các loại ngũ cốc này trong lọ thủy tinh, hộp kín hoặc buộc nilon kín treo ở những nơi khô ráo, thoáng mát. Tương tự, các loại nấm, hải sản khô hoặc thực phẩm khô như măng, miến… cũng nên bao gói cẩn thận trước khi cất vào tủ bảo quản. Lưu ý, có thể đem các loại thực phẩm này ra phơi lại dưới ánh nắng mặt trời nếu lâu không sử dụng đến.
Để tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc rước bệnh và người từ việc bảo quản thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo, tuân thủ ăn chín, uống sôi. Nếu phát hiện sản phẩm lên mốc xanh, vàng nâu hoặc đen thì phải loại bỏ, không nên tiếc của mà rửa sạch để dùng. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không được dùng nguyên liệu bị mốc như để chế biến các loại bánh kẹo, nước uống cho người tiêu dùng.
Rất nhiều thực phẩm khô có giá trị dinh dưỡng không thua gì thực phẩm tươi và mang lại nhiều tiện dụng cho người nội trợ. Nhưng nếu bảo quản thực phẩm khô không đúng cách sẽ khiến thực phẩm xuất hiện nấm mốc, gây nhiều nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt là bệnh ung thư gan.
6. Lưu ý môi trường tủ lạnh: Nhiệt độ, mùi hôi và cách sắp xếp thức ăn trong tủ lạnh
Về nhiệt độ, các bạn hãy lưu ý khi chúng ta cần đảm bảo nhiệt độ ở ngăn đông lạnh là -18oC hoặc thấp hơn, nhiệt độ ở ngăn lạnh là từ 0- 4oC => tránh các loại nấm mốc phát triển
Các bạn cũng nên lau dọn tủ lạnh thường xuyên, tránh các mảng thực phẩm hoặc thức ăn vấy bẩn trong tủ lạnh. Ngoài ra việc thường xuyên kiểm tra định kỳ còn giúp các bạn bỏ các thực phẩm đã bị quá hạn hoặc đã hư hỏng, ôi thối, gây mùi và gây phát tán các vi khuẩn, vi sinh vật có hại trong tủ lạnh.
Các bạn nên sắp xếp thức ăn theo thứ tự first in – first out. Tức cái nào bảo quản trước sẽ lấy ra dùng trước. Các loại thức ăn cần ưu tiên dùng, hoặc sắp hết hạn cần dùng trước thì nên để ra phía ngoài để dễ thấy, dễ lấy.
>> Xem thêm: Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh (Chi tiết)
Lời kết
Qua nội dung bài viết trên, mình hy vọng đã cung cấp cho các bạn một ít kiến thức về thực phẩm bị nấm mốc. Đặc biệt là những nhóm độc tố nấm mốc vô cùng nguy hại đến sức khỏe để các bạn có thể đề cao cảnh giác và xử trí đúng cách với các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc, đồng thời giúp các bạn có thể bảo quản các loại thực phẩm thật khoa học, đúng cách để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mình và người thân.
Mong nhận được các ý kiến góp ý từ các bạn. Thân mến!