Wikimua Uncategorized Giò xào- Hương vị tết

Giò xào- Hương vị tết

Giò xào- Hương vị tết

Ý nghĩa của giò xào ngày tết
Giò xào (giò thủ) luôn giữ vị trí mỹ vị và đã trở thành món ăn không thể thiếu góp phần tạo nên nét ẩm thực riêng biệt. Trong mâm cơm ngày tết thì đĩa giò đầy đặn tượng trưng cho sự trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà. Giò xào ngày Tết là để cầu mong một năm mới an lành, tròn trịa, cả gia đình ấm êm no đủ, bình an, hạnh phúc . Với hương vị đặc trưng cùng với sự giòn giòn sần sật, hòa vào đó có chút béo ngậy của thịt mỡ, vị cay xè của hồ tiêu hòa tan trong miệng càng làm cho món ăn trở nên đậm đà hơn bao giờ hết, ăn một lần nhớ một đời.


Giò xào xuất hiện rất nhiều nơi trong nền thực phẩm của một số nước trên thế giới với các cách chế biến khác nhau như tại Áo, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Bungari, Mexico, Cộng hòa Ship…..


Ngày nay, giò xào không chỉ xuất hiện trong mâm cơm ngày tết nữa mà được người dân thường xuyên sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của gia đình. Giò xào được bán ở hầu hết các chợ trong những cửa hàng giò chả, nem chạo. Hiện nay rất nhiều người phụ nữ tự làm giò xào tại nhà vì làm giò xào rất đơn giản, vừa dễ làm, nguyên liệu dễ kiếm, gia vị tự nhiên và đặc biệt ăn thơm, ngon, thịt tươi sạch, sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Cách làm giò xào
Bước 1: Chọn nguyên liệu
Tai lợn: 1 cái
Mũi lợn : 1 cái
Lưỡi lợn: 1 cái
Mộc nhỉ : 100g; nấm hương 100g.
5 củ hành tím ; nước mắm cốt, muối hột, hạt tiêu, lá chuối hoặc 1 khuôn inox.

Bước đầu tiên rất quan trọng đó là chọn nguyên liệu. Giò xào cũng như giò lụa nếu chọn nguyên liệu không tươi ngon sẽ khiến cho món giò trở nên hôi, không kết dính được thành khuôn giò.

Nguyên liệu gồm các thành phần của thủ lợn như: Tai lợn, lưỡi lợn, mũi lợn, có nhiều gia đình thích ăn giò ngậy hơn thì lại pha chút thịt má lợn, hoặc gia đình thích ăn giò nạc hơn thì pha thịt chân giò. Đặc biệt có những nhà không thích cho mũi lợn vì sợ quá béo, có nhà không thích cho lưỡi lợn vì sợ quá khô, nhưng quan trọng nhất là không gia đình nào từ chối được nguyên liệu tai lợn vì độ giòn sần sật của nó khiến cho món ăn mang đặc trưng riêng.

Ngoài nguyên liệu chính thì giò xào sẽ được kèm theo những nguyên liệu phụ nếu thiếu nó thì món ăn sẽ mất đi sự hoàn hảo, quyến rũ đó là: Mọc nhĩ, hành tím, nấm hương.

Gia vị bao gồm: Hồ tiêu, muối ăn, mì chính, nước mắm, bột nêm, đường, dầu ăn.

Ngoài ra cần có khuôn hoặc lá chuối để bó giò đông lại.

Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
Đây là bước chúng ta làm rất cẩn thận nếu không sẽ khiến thịt hôi, còn bị dính lông, ăn sẽ mất ngon . Chúng ta làm càng sạch thì món ăn càng trở nên hấp dẫn .Thịt lợn, tai lợn , mũi lợn, lưỡi lợn chúng ta sẽ đem rửa sạch, cạo hết phần lông, bẩn . Tiếp theo sát qua một lượt muối để hết mùi hôi của thịt lợn.

Sau đó chúng ta cho các nguyên liệu trên vào nồi ngập nước luộc qua cho ra hết phần chất bẩn. Khi nước sôi chúng ta vớt các nguyên liệu ra thau nước lạnh cho thịt nhanh nguội và không bị thâm. Đây là một tiêu chí đánh giá cách làm giò xào tại nhà của bạn có đạt chất lượng hay không ? Chúng ta cạo và làm sạch một lần nữa. Cuối cùng vớt nguyên liệu ra rổ để ráo nước.


Tiếp theo, dùng dao thái tai lợn, lưỡi lợn, mũi lợn hình con chì (cắt càng đều nhau thì nhìn khoanh giò càng đẹp mắt).

Cuối cùng, cho tất cả phần giò trộn nước mắm, hạt nêm, đường, muối, hồ tiêu đập dập không quá mịn, trộn đều hỗn hợp cho ngấm gia vị khoảng 30 phút.

Bước 3: Sơ chế mọc nhĩ, hành tím, nấm hương
Mọc nhĩ, nấm hương đem ngâm , làm sạch , ngắt cuống và loai bỏ bụi cát ở bên trong sau đó thái mỏng con chì.

Bước 4: Cho thịt lợn, tai lợn, mũi lợn xào.
Đun chảo thật nóng , phi hành thơm rồi đổ hết hỗn hợp thịt đã ướp vào chảo, chúng ta không nên cho quá nhiều dầu vào chảo vì hỗn hợp đã nhiều mỡ. Đây chính là bước người phụ nữ thể hiện được sự khéo léo của mình vì trong khâu đảo giò, đảo càng nhanh, đều tay trên lửa to thì giò càng giòn.


Chúng ta phải điều chỉnh lửa cho đều tay, để cho giò được chín đều, sau khi giò chín vàng có màu sẫm, gia vị đã ngấm hết vào phần thịt thì tiếp tục đổ mọc nhĩ, nấm hương vào hỗn hợp giò , đảo nhanh, đều tay cho tới khi hỗn hợp chín đều. Vừa đảo chúng ta nếm xem gia vị đã vừa chưa nhé ! Chú ý là không nên để giò chín quá nhé, như vậy giò sẽ bị khô, cứng và mất ngon.

Cuối cùng nhấc ra vào trộn hồ tiều vào, như vậy là chúng ta đã có một hỗn hợp giò vừa đẹp mắt, vừa thơm ngon, béo ngậy, giòn sần sật rồi đúng không nào ?

Bước 5: Ép giò cho thành khuôn , bảo quản giò tủ đông
Hiện nay có 2 cách để ép giò:

Theo cách truyền thống, chúng ta sẽ bó giò bằng lá chuối xanh hoặc có nhiều nơi họ tận dụng chai lavi 1,5 lít để bó nữa nhé . Lá chuối xanh chọn lá bản to, màu xanh đẹp, rồi hơ qua lửa cho lá mềm, cuốn giò sẽ mềm mại và dễ dàng hơn. Khi giò đang nóng, chúng ta nhấc chảo giò xuống, hãy nhanh tay cho giò vào lá chuối rồi bó chặt thành hình trụ bằng dây hoặc nẹp tre. Khi bó phải chặt tay để cho các nguyên liệu hòa lẫn vào với nhau. Ngày tết nếu chưa có tủ lạnh, chúng ta có thể treo bó giò lên cao để khô ráo,sẽ bảo quản được lâu hơn, khiến món ăn trở nên ngon đậm đà hương vị ngày tết.


Ngoài ra hiện nay, ngoài thị trường bán rất nhiều khuôn inox để bó giò, nó giúp các bà nội trợ làm nhanh hơn bao giờ hết. Chúng ta chỉ cần cho giò nóng vào khuôn rồi ép thật chặt thôi nhé. Nếu có khuôn chúng ta sẽ không tốn thời gian để chuẩn bị lá chuối, dây, nẹp…Tuy nhiên gói bằng cách này giò ăn sẽ không thơm và chặt như cách bó giò truyền thống nhé.


Trên đây, là 5 bước cho cách làm giò xào đơn giản và ngon nhất cho ngày Tết. Cách làm này không quá phức tạp phải không các bạn. Bạn chỉ cần một chút khéo léo, tỉ mỉ là bạn đã có 1 cây giò thơm ngon. Những miếng giò béo ngậy, giòn sần sật đậm đà cùng với vị thơm của hạt tiêu. Đây sẽ là món ăn rất ngon – món quà tặng ý nghĩa dành cho bữa cơm gia đình của bạn.

Cách thưởng thức giò xào
Khi chúng ta làm xong giò xào chúng ta bảo quản giò vào tủ lạnh hoặc phòng có nhiệt độ thấp. Khi được khoảng 2 đến 3 giờ đồng hồ thì giò đã đông lại. Chúng ta ăn, sẽ cắt từng khoanh giò trang trí đẹp mắt cùng rau sống ăn kèm. Cùng nhau chuẩn bị bát nước chấm thật ngon, đậm đà, cay xè của ớt, hồ tiêu rồi thưởng thức giò xào ăn kèm rau và khoanh bánh trưng xanh sẽ đỡ ngấy – dậy hương vị đậm đà ngày tết.


Ngoài ra, chúng ta nên thưởng thức giò xào khi lạnh sẽ ngon và đúng vị hơn rất nhiều nhé. Ngược lại nếu thưởng thứ giò xào nóng thì mọi hương vị và nguyên liệu sẽ không còn kết dính, mỡ tan ra, ăn không còn giòn và ngon vị giò xào nữa.

Như vậy, chỉ cần một chút khéo léo chúng ta đã có đĩa giò xào thơm ngon, bổ dưỡng, đậm đà hương vị ngày tết rồi phải không nào ?

Chúc các bạn thật ngon miệng bên mâm cơm ngày tết cùng món giò xào thứ thiệt nhé !

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Post